Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Tây Hồ
Sáng 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Hiện, Tây Hồ là một trong các quận, huyện đang ở mức 2 của dịch.
Ông Vũ Đức Chính đang chỉ cho người dân ổ lăng quăng có chứa muỗi truyền sốt xuất huyết.
Tại cuộc làm việc sau đó với Hà Nội về công tác phòng chống dịch diễn ra tại Trung tâm y tế Quận Tây Hồ, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đề nghị Hà Nội chấn chỉnh các đội xung kích diệt bọ gậy, vì vẫn phát hiện bọ gậy.
Sáng 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và các lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.
Theo phân mức trên bản đồ dịch tễ của Hà Nội với 3 mức độ vùng dịch tễ (đỏ, da cam, vàng), căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus... Hiện nay, Tây Hồ là một trong các quận, huyện đang ở mức cam (mức 2) của dịch. Từ đầu năm đến nay quận Tây Hồ ghi nhận gần 300 ca, đặc biệt, phường Thuỵ Khuê có số người mắc cao nhất với 67 ca.
Kiểm tra ngẫu nhiên ở 2 hộ gia đình tại ngõ 282 phố Thuỵ Khuê, TS Vũ Đức Chính- Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng của Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương rất bất ngờ khi các chuyên gia bắt muỗi của Viện đã phát hiện 5 ổ bọ gậy - trong đó, có 4 ổ chứa muỗi Aedes truyền bệnh SXH. Mặc dù đây là địa bàn mới được phun hoá chất diệt muỗi.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ thị, sau 1 tuần tiếp tục phun lại để diệt nguồn muỗi phát sinh, ngoài ra, việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi mang mầm bệnh, nếu không diệt lăng quăng, bọ gậy đúng cách, liều lượng thì sẽ tiếp tục phát sinh các ổ lăng quăng mới chỉ sau 2 tuần.
Chính vì vậy, Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, loại bỏ các tâc nhân chứa lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội tập trung phun chợ, các phòng khám đa khoa, các bệnh viện, rạp chiếu phim, nơi biểu diễn nghệ thuật tập trung đông người- nơi công cộng tập trung đông người.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Phó chủ tịch phường Thụy Khuê thừa nhận một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, chủ quan với dịch. Đội xung kích và tổ giám sát cũng đã đến từng hộ gia đình hướng dẫn vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết nhưng cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm nhiều, còn thiếu nhiều máy móc, phương tiện phòng dịch.
Tại cuộc làm việc sau đó với Hà Nội về công tác phòng chống dịch diễn ra tại Trung tâm y tế Quận Tây Hồ, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đề nghị Hà Nội chấn chỉnh các đội xung kích diệt bọ gậy, vì vẫn phát hiện bọ gậy.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ngô Văn Quý cho biết, trong 4 ngày qua số ca mắc sốt huyết có chững lại. Trong tuần này, thành phố cố gắng hạ hỏa dịch, phun đồng bộ, cuốn chiếu; trong thứ 7, chủ nhật cố gắng phun tất cả trường học từ trường mầm non, cấp 1-2-3, ĐH trên địa bàn, trong tuần tập trung phun khu chợ.
Hà Nội hy vọng trong thời gian tới sẽ khống chế được dịch. Sắp tới, thành phố huy động học sinh tự kiểm tra bọ gậy tại chính hộ gia đình.
Hiện bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt lăng quăng, muỗi và phòng muỗi đốt.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp cụ thể như sau: Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn hoặc đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng. Hàng tuần, dùng bàn chải cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa, bình bông, thả muối hoặc dầu vào các bát nước kê chân trạn, khay nước thải của tủ lạnh, điều hòa, loại bỏ vật liệu phế thải. Đặc biệt quan tâm đến các khu đất trống, xen kẹt, công trường xây dựng, nhà trọ, lán trại.