Phát triển bền vững đại học ngoài công lập
Theo đánh giá của các nhà khoa học, không chỉ tại Việt Nam, ĐH ngoài công lập (ĐHNCL) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục ĐH. Dẫu thế chất lượng giáo dục ngoài công lập hiện cũng đang là vấn đề được người học quan tâm.
Mới đây, trong cuộc họp của Hội đồng khoa học tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia do GS.TS Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm Chủ nhiệm, một nội dung quan trọng đã được đưa ra đó là: Những tổ chức và cá nhân phù hợp sẽ được lựa chọn để chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường ĐHNCL ở Việt Nam”.
Băn khoăn vị thế của ĐHNCL
Tại Quyết định số 121/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và cao đẳng giai đoạn 2006-2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 30-40% sinh viên học trong các cơ sở giáo dục ĐHNCL. Tuy nhiên, sau 10 năm, số lượng sinh viên ĐHNCL của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được con số 13,16 %. Vai trò, vị thế của ĐHNCL vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng, từ đó chưa tạo động lực và “đối xử” bình đẳng về chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, về bản chất không có sự khác biệt giữa ĐH công lập và ĐHNCL. Các cơ sở giáo dục ĐH chỉ khác nhau về sở hữu, chất lượng và sứ mệnh. Nhiệm vụ của tất cả các trường ĐH là nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức theo sứ mệnh. Sứ mệnh này được xác định nhờ phân tầng ĐH.
Trước thời điểm kết thúc năm học vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một hội nghị các trường ĐHNCL tại TP.HCM. Một lần nữa vấn đề bất bình đẳng giữa các trường công - tư lại được đặt ra. Theo đó, nếu như trong giai đoạn 2013-2015, mỗi năm có khoảng 81.000 sinh viên đăng ký học tại các trường ĐHNCL thì đến năm 2016, con số này chỉ còn hơn 72.000 sinh viên. Số liệu phân tích từ các chuyên gia tại đây cũng cho thấy, số trường ĐHNCL đã tăng từ 5 trường (năm 1994) lên 60 trường vào cuối năm 2016 (trên tổng số 271 trường ĐH).
Cho đến năm học 2016, các trường ĐHNCL có hơn 253.000 sinh viên theo học, chiếm tỷ lệ 13%. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập hiện nay phải cạnh tranh với các trường công lập có bề dày lịch sử phát triển và được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tài chính, trang thiết bị và nguồn lực con người… Trong khi các trường ngoài công lập hiện nay không có nhà đầu tư nào cả.
Theo đó, nhiều đề xuất được đưa ra tại hội nghị này như nhà nước cần tạo điều kiện, cơ chế về ngân sách cho các trường ĐHNCL; Các chính sách của nhà nước phải hướng đến tạo môi trường thuận lợi để các trường ĐHNCL tham gia đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và ngoài công lập...
Kiểm định chất lượng
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh khẳng định, thực tế cho thấy trường nào làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục thì sẽ phát triển bền vững. Vì vậy, các trường ĐHNCL phải xây dựng, bám sát các bộ tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo để có kế hoạch đầu tư cho công tác này. Đây là một trong những giải pháp dài hạn để nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường ĐH.
Thời gian quan, vấn đề tự chủ và kiểm định chất lượng là yêu cầu chung đặt ra với cả trường công lập và ngoài công lập. Tự chủ của trường ĐH có thể khái quát là khả năng trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng về mục tiêu do trường đặt ra. Các thành tố trong tự chủ ĐH bao gồm: Tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân lực...
Trở lại với câu chuyện chất lượng với ĐHNCL, cho đến tháng 2/2017 trường ĐH Duy Tân là trường ĐHNCL đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, với kết quả có 52/61 tiêu chí đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 85,25%. Đây cũng là mức đạt vào loại cao nhất của các trường ĐH (cả công lập và ngoài công lập) đã qua kiểm định ở miền Trung. ĐH Duy Tân là 1 trong 40 trường ĐH tham gia Kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2009, và là 1 trong 30 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam kiểm định theo bộ tiêu chuẩn mới của Bộ GD&ĐT.
Trước thực trạng của ĐHNCL lâu nay, để phát triển bền vững hệ thống trường ĐH tư, cần phải có một nhiệm vụ nghiên cứu bài bản, căn cơ về ĐHNCL từ đó đề xuất những chính sách, mô hình, cơ chế cho phù hợp.
Như vậy, tới đây nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường ĐHNCL ở Việt Nam” (như đã đề cập ở phần đầu bài viết) được triển khai thực hiện sẽ cung cấp luận lý khoa học phục vụ cho việc xây dựng, thực thi chính sách về ĐHNCL của Bộ GD&ĐT.