Đắk Lắk: Sẵn sàng cho năm học mới
Năm học mới 2017-2018 đang đến gần, hàng ngàn học sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang phấn khởi chuẩn bị cho ngày tựu trường. Cùng với đó, việc xây dựng, sửa chữa trường, lớp, mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ dạy học cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã sẵn sàng.
Tại huyện Buôn Đôn, công tác xây dựng phòng học, nhà hiệu bộ chuẩn bị đón học sinh cũng đang được khẩn trương hoàn thành. Cô H’Tú- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút, xã biên giới Krông Na chia sẻ: Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Y Jút, có hơn 600 học sinh, trong đó học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 92%.
Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào tựu trường, ngay đầu năm học địa phương đã tiến hành sữa chữa 9 phòng học. Đến nay nhà trường đã có đầy đủ nhà hiệu bộ, phòng chức năng, nhà vệ sinh, 25 phòng học, trong đó 6 phòng kiên cố, 19 phòng bán kiên cố, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho khai giảng năm học mới.
Hiện công tác chuẩn bị năm học mới trên địa bàn huyện Cư M’gar đang rất khẩn trương, ông Lê Hữu Quynh- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết: Năm học 2017-2018, huyện Cư M’gar có 85 trường học từ mầm non đến THCS, với khoảng 34.000 học sinh. Huyện đã tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; lập kế hoạch phát triển giáo dục; chuẩn bị cơ sở vật chất... đơn vị chỉ đạo các trường chủ động sử dụng kinh phí tiết kiệm từ nguồn ngân sách được giao tổ chức sửa chữa, sắm trang thiết bị dạy và học.
Ông Phạm Đăng Khoa- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm học này, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.013 trường, hơn 15.000 lớp, dự kiến có hơn 444.000 học sinh ở cả ba cấp. Là địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 40%, vì vậy để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho năm học 2017-2018, tỉnh Đắk Lắk đã huy động các nguồn vốn đầu tư hơn 311 tỷ đồng.Trong đó, 240 tỷ đồng dùng xây mới và sữa chữa 507 phòng học, phòng công vụ, nhà ở nội trú, phòng thí nghiệm thực hành, công trình nước sạch vệ sinh; hơn 50 tỷ đồng mua sắm thiết bị trường học thiết yếu, trang bị cho các trường học.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng đã huy động xã hội hóa hàng chục tỷ đồng xây dựng tu bổ trường lớp. Nhờ đó hiện tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 56,72%, địa phương hiện còn không còn phòng học tre nứa, vách lá. Tuy nhiên hiện nay Đắk Lắk vẫn còn 458 phòng học tạm, học nhờ và hàng trăm điểm trường tại các huyện Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, Ea H’leo đang bị xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục, nhiều nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.