Ưu tiên hỗ trợ trực tiếp các hộ dân bị thiệt hại bởi mưa lũ
Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long tại cuộc họp giao ban Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh về khắc phục hậu quả, mưa lũ, sạt lở đất tại một số địa phương ngày 21/8.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chủ trì cuộc họp. (Ảnh: CTV).
Đợt mưa lũ từ 13 đến 17/8 vừa diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm 1 người chết do bị nước cuốn trôi, 3 nhà bị sập đổ, 57 nhà bị ảnh hưởng ngập lụt. Về giao thông, 4 công trình bị nước lũ cuốn trôi, 45 điểm ngập lụt trên tuyến giao thông. Sạt lở đất đá, công trình giao thông tại 124 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường liên xã, đường giao thông nông thôn. 13 cột điện hạ thế bị gẫy đổ. 9 tuyến cáp quang bị sự cố.
Mưa lũ đã cuốn trôi, làm hư hỏng 20 công trình thủy lợi gồm đập, kênh mương và đường ống. Ngập lụt, cuốn trôi, xói lở, vùi lấp khoảng 79,23 ha lúa và hoa mầu. Nước lũ cũng cuốn trôi, làm đổ gãy khoảng 4 ha keo của các hộ dân trồng sát bờ suối tại xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ)...
Tổng thiệt hại ước khoảng 43,21 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là huyện Ba Chẽ là 30,25 tỷ đồng, huyện Hoành Bồ là 5,57 tỷ đồng, TP Uông Bí bị thiệt hại 2 tỷ đồng... Các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, đường thủy nội địa thiệt hại 5,15 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh đã lập tức trích 2 tỷ đồng hỗ trợ huyện Ba Chẽ và huyện Hoành Bồ khắc phục hậu quả mưa lũ.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, qua kiểm tra thực tế cho thấy, huyện Ba Chẽ là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, tập trung tại 2 địa bàn xã Lương Mông và xã Minh Cầm nên cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, chuẩn bị tốt để không để xảy ra tái diễn tình trạng trên.
Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu kiểm tra thiệt hại tại huyện Ba Chẽ.
Huyện Ba Chẽ cần khẩn trương rà soát, thống kê sát sao số thiệt hại của các hộ gia đình. Đối với thiệt hại về nông nghiệp, cụ thể hóa các phương án hỗ trợ các hộ dân.
“Các địa phương ưu tiên hỗ trợ thiệt hại trực tiếp liên quan đến đời sống, sản xuất của các hộ dân. Về giải quyết khẩn trương cấp bách đối với các công trình hạ tầng, tỉnh đã có chủ trương dùng ngân sách dự phòng hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại. Cụ thể, tỉnh trích ngân sách dự phòng cho huyện Ba Chẽ, giao Chủ tịch UBND huyện triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả các công trình cấp bách, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc sử dụng đúng quy định số tiền hỗ trợ. Cùng với đó, tỉnh thống nhất trích ngân sách dự phòng hỗ trợ huyện Hoành Bồ, đồng thời, huyện phối hợp đơn vị Viettel phủ sóng thôn Khe Phương xã Kỳ Thượng”, ông Nguyễn Đức Long yêu cầu.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, TP Hạ Long cần quan tâm hỗ trợ vận chuyển đất sau nhà sạt lở, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống tại tổ 6, khu 10.
TP Hạ Long triển khai ngay hệ thống thoát nước tại khu vực Cái Lân. Tiến hành làm ngay hệ thống hàng rào, lan can đối với toàn bộ các hệ thống mương hở của thành phố.
Riêng một số vị trí đã thiết kế đường ống thoát nước kín nhưng do quá trình vỡ bị hở cần khẩn trương thực hiện sửa chữa ngay. Sở Giao thông Vận tải triển khai công trình cấp bách cầu Cổ Ngựa, xã Lương Mông để đảm bảo an toàn khi có mưa lũ; xem xét, nâng cấp sửa chữa đường tỉnh lộ 330.
Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tỉnh bố trí dự phòng ngân sách giao cho các địa phương triển khai. Sở Nông nghiệp và Phát triển rà soát lại các nôi dung để có báo cáo chính thức về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở tại một địa phương...