Quản chất lượng khi lãi suất giảm

Thúy Hằng 22/08/2017 09:05

Hồi đầu tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đưa ra định hướng cố gắng đưa tăng trưởng tín dụng đạt 18 – 20%. Để đạt được con số này không quá khó nhưng làm sao để quản được chất lượng khi tín dụng chảy vào bất động sản.

Giảm lãi suất đồng thời phải tăng cường quản lý chặt.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 3/8/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô. Trong khi đó, theo số liệu cập nhật từ cơ quan quản lý, tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng trưởng 9,06%, được coi là con số cao trong nhiều năm trở lại đây. Cũng trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại xin được tăng chỉ tiêu tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát cơ bản 3 năm liên tục ở mức thấp dưới 2%, lạm phát CPI tính theo hàng năm dự báo năm 2017 cũng chỉ ở con số 3%. Trong khi đó, lãi suất điều hành chủ chốt của NHNN vẫn có khoảng trống, cụ thể: Lãi suất cấp vốn 5%, lãi suất trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành khoảng 5%, lãi suất trần ngắn hạn tiền gửi khoảng 5%. Đây là thời điểm thuận lợi để NHNN xem xét nới lỏng chút về tín dụng, tăng cung tiền tệ, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho DN. Nếu làm được như vậy, tức là lãi suất giảm, tạo điều kiện mở rộng tín dụng đến 20% là thực hiện được.

Cũng theo ông Nghĩa, quan trọng là phải xét đến yếu tố nền kinh tế có hấp thụ được tăng trưởng tín dụng 20% hay không. Vì lãi suất cao thì ko hấp thụ được nhưng khi hạ lãi suất thì tăng trưởng tín dụng sẽ vào được các lĩnh vực sản xuất như kinh doanh, công nghiệp, chế biến, dịch vụ... Nếu để lãi suất cao thì tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản, các phân khúc có khả năng rủi ro cao như cho vay tiêu dùng.

Đưa tăng trưởng tín dụng lên 20%, ông Nghĩa cho rằng có thể tạo ra 2 khả năng, một là lãi suất thấp thì tăng được tổng cầu, tăng GDP. Hai là, nếu lãi suất cao thì không tạo được tăng tổng cầu an toàn, dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. Do vậy, NHNN nên cân nhắc cẩn trọng.

So với một số nước trong khu vực ASEAN, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam hiện nay đang ở ngưỡng cao làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của DN lên quá lớn. Ông Nghĩa cho hay, trong bối cảnh các DN Việt Nam làm việc phần lớn bằng vốn đi vay, tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, trong tổng vốn 100 tỷ, DN chỉ có 10 tỷ còn lại vay 90 tỷ. Do vậy, nếu DN cần vay 160 tỷ/năm thì lãi vay là 6 tỷ /năm. Con số này vượt qua cả chi phí chiết khấu, điều này sẽ tạo ra áp lực lãi vay cho DN.

Đáng lưu ý hơn, TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra bình luận, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 20% không phải là nguy cơ gì lớn cho thị trường tài chính Việt Nam, song phải đặt trong bối cảnh lãi suất giảm và quản chặt được chất lượng. Hiện một lượng tiền vẫn tiếp tục được đổ vào bất động sản rất tinh vi.

Theo khẳng định NHNN, cơ quan này tiếp tục duy trì kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, đặc biệt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, BOT, BT giao thông…

Thúy Hằng