Không tự ý điều trị sốt xuất huyết
Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. TP Hà Nội đã cảnh báo vùng dịch SXH bằng 3 cấp độ với 3 màu: đỏ, cam và vàng. Trong đó có tới 12 quận, huyện ở mức báo động đỏ và 5 quận, huyện ở cấp độ thứ 2. Dẫu thế, vẫn có nhiều người chủ quan với SXH, khi mắc bệnh vẫn tự ý chữa tại nhà bằng thuốc tự mua. Trong khi theo cảnh báo từ các bác sĩ, chủ quan với SXH khi để bệnh quá nặng mới tới cơ sở y tế dễ dẫn tới tử vong.
Theo đó, bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Với diễn biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng trầm trọng xảy ra.
Theo BS Đỗ Thiện Hải- Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, số trẻ nhỏ nhập viện do SXH đang tăng trong các tuần gần đây. Cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng bệnh để chăm sóc và đưa trẻ đi khám kịp thời. Bệnh nhân SXH đột ngột sốt rất cao (39 - 40 độ) và rất khó đáp ứng thuốc hạ sốt nên thường sốt cao liên tục; kèm theo đó là tình trạng mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt…
Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường hay bệnh sốt phát ban nên dễ bị bỏ qua. Vì vậy, không cạo gió, tránh tuyệt đối dùng aspirin và Ibuprofen để hạ sốt. Nếu có một trong các dấu hiệu này cần cho trẻ nhập viện ngay: Sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chân tay lạnh, trẻ đang tỉnh táo bỗng lừ đừ, có khi vật vã, đau bụng dữ dội, da đổi màu. Đặc biệt khi thấy trẻ sốt kèm theo trình trạng mệt nhiều thì nên đưa đến cơ sở y tế sớm.
BS Lê Bích Liên (Trưởng khoa SXH, BV Nhi Đồng 1) cũng cho biết, có trẻ bị SXH trong tình trạng rất nặng mới đưa vào nhập viện. Một trong những nguyên nhân sai lầm là do gia đình chủ quan, thấy con mình biểu hiện nóng sốt liền tự ý ra ngoài tiệm thuốc tây mua thuốc. Đến khi con vẫn chưa hết sốt lại đổi thuốc, hay tăng liều bằng cách dùng thêm Aspirin, Ibuprofen, Dexa… Điều này dẫn đến việc chẩn đoán SXH có thể bị trễ và nặng hơn vì sử dụng thuốc không đúng. Không những vậy, trẻ có thể còn gặp những biến chứng nguy hiểm như ngộ độc thuốc, xuất huyết tiêu hóa, viêm gan do thuốc… Cùng với đó là những suy nghĩ từ người nhà, cho rằng trẻ hết sốt có nghĩa sắp khỏi bệnh.
Theo BS Lê Bích Liên, cần nhớ rằng, trong SXH, hết sốt cũng là lúc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn (lừ đừ, ói). Chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy cơ dẫn đến tử vong ở trẻ cao hơn. Tuy nhiên không phải trường hợp SXH nào cũng phải nhập viện. 70% các trường hợp SXH nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi tại nhà. Việc đầu tiên là hạ sốt cho trẻ bằng cách cho uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và lau mát. Trẻ bị bệnh, cần được khuyến khích ăn, uống nhiều nước (nước sôi để nguội, cam, chanh, dừa… Tuy nhiên đừng cho trẻ ăn, uống những thức ăn có màu sẫm vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ ói hoặc đi ngoài.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay bệnh SXH chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra. Bệnh nhân chỉ được xuất viện về nhà khi hết sốt trong vòng 2 ngày, tỉnh táo; mạch, huyết áp bình thường; số lượng tiểu cầu máu phải trên 50.000/mm3 máu.
Phó Thủ tướng thăm Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương Chiều 21/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm bệnh nhân bị SXH đang điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, Phó Thủ tướng đã thăm hỏi và động viên các bệnh nhân cũng như các cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh viện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù dịch SXH trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu chững lại nhưng người dân cũng như cán bộ y tế cũng không được chủ quan. D. Toàn |