Xét duyệt danh hiệu, giải thưởng thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật: Còn nhiều bất cập
Sáng 22/8 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL chủ trì “Hội thảo lấy ý kiến, góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật”.
Quang cảnh Hội thảo.
Hạn chế về điều kiện xét duyệt
Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã đưa ra bản Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 62; 89 và 90 của Chính phủ về việc xét tặng các danh hiệu cho những cá nhân xuất sắc hoạt động trong ngành nghệ thuật, cùng với đó là quy định về danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
Trong 3 năm qua có 102 nghệ sĩ được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), 380 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT); 18 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị định còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa thực sự hợp lý như: Quy định về tác phẩm đề nghị được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vẫn còn đặt ra tiêu chuẩn khá lớn.
Qua đợt xét tặng giải thưởng năm 2016, các ý kiến báo cáo của Hội đồng nghệ thuật đều xoay quanh việc quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm làm tiêu chuẩn để đánh giá giá trị đặc biệt xuất sắc hoặc xuất sắc cho các tác phẩm là chưa phù hợp với thực tiễn.
Đại diện các Hội cũng nhấn mạnh, có nhiều các tác phẩm, cụm tác phẩm được hội đồng các cấp đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng còn thiếu giải thưởng theo quy định.
Bên cạnh đó, quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp được đề ra tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng phải được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định bỏ phiếu đồng ý là chua thực sự phù hợp.
Thực tế, qua đợt xét tặng năm 2016, nhiều tác phẩm cụm tác phẩm được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá đều nhất trí là những tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, nhưng để đạt được tỷ lệ 90% của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định là khá khó khăn.
Với quy định như vậy, chỉ cần 2 trong tổng số 15 thành viên không đồng ý tại Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước là không đủ điều kiện; 3/28 thành viên không đồng ý tại Hội đồng cấp Nhà nước là không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nói: “Việc phải có 90% tổng số phiếu như quy định là một điều quá khó. Hơn nữa, trong mỗi hội đồng đều có người có chuyên môn và có phẩm chất chính trị, nhưng không phải ai cũng có chuyên môn về nghệ thuật nên việc dễ bị mất danh hiệu chỉ vì 2 – 3 người không đồng tình là chuyện rất dễ dàng. Hơn nữa, cơ cấu giải thưởng 20 năm qua cũng chỉ có 24 huy chương Vàng, như vậy là quá ít so với những gì mà nghệ thuật đang phát triển. Có quá nhiều những tác phẩm xuất sắc, các tác phẩm phục vụ tốt cho sự phát triển của đất nước nhưng do thiếu giải thưởng mà thành ra không đạt. Đó chính là những bất cập cần phải chú ý”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tới chuyên môn của các Hội đồng nghệ thuật. Cụ thể, tất cả đều cho rằng việc cần thiết phải đưa về Hội đồng có đúng chuyên môn để xét duyệt một cách chính xác hơn, tránh trường hợp không đúng chuyên môn nhưng bỏ xót, lỡ mất các giải thưởng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam nói: “Điện ảnh rất cần có biên kịch, nhưng biên kịch lại thuộc về lĩnh vực văn học, điều này vẫn được thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng là khi chúng tôi chuyển kịch bản sang bên Hội Nhà văn xét duyệt thì nhiều khi lại phải bỏ, vì có lẽ là do không đúng chuyên môn, lại khó hiểu nên không thể sử dụng được, điều này gây khó khăn cho cả 2 ngành Điện ảnh và Văn học”.
Phương án sửa đổi, bổ sung
Ông Bùi Gia Tường- nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: “Trong 3 Hội đồng, thì Hội đồng cấp Nhà nước là nơi chịu trách nhiệm cao nhất. Trái ngược, tôi thấy tại Hội đồng cấp cơ sở vẫn mang tính chất nể nang nên có nhiều điều chưa thực sự hợp lý. Tất nhiên trong mỗi Hội đồng đều có nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng cần phải có tranh luận và đưa ra ý kiến thật nghiêm túc để sao cho công tâm và chính xác hơn. Tôi đặc biệt quan tâm tới danh hiệu NSND, danh hiệu này hình như đang sa sút hơn so với trước kia. Tôi nghĩ cần phải đặt ra tiêu chuẩn thật cao, những cá nhân được xét duyệt phải có tài năng thực sự”.
Ông Vũ Quốc Khánh- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng: “Chúng ta nên có những tiêu chí mềm khi xét duyệt các tác phẩm. Nhiều trường hợp khi được xét duyệt giải thưởng cho tác phẩm nhưng chính tác giả của tác phẩm đó lại không được xét duyệt”.
Còn theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, “chỉ nên để mức độ 75% cho tiêu chuẩn là hợp lý. Thêm nữa, chúng ta cũng cần phải có cơ chế riêng cho từng ngành chứ không nên chung chung kiểu “cá, cua, tôm, tép” đều cho chung vào một rọ như thế được”.
Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng nên thay đổi từ mức tiêu chuẩn xét duyệt danh hiệu, giải thưởng từ mức 90% xuống còn 75% cho dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó việc chỉ xét duyệt với một tác phẩm ở chỉ một chuyên ngành là chưa hợp lý, nên cần thiết phải thay đổi sao cho công tâm, chính xác, đúng người, đúng giải và tránh bỏ xót.