Không thể đủng đỉnh

Nguyên Khánh 23/08/2017 07:35

Tổ công tác của Thủ tướng sau hơn 1 năm đi vào hoạt động với những việc làm cụ thể, quyết liệt ở những đơn vị đến kiểm tra, đã nhận được sự đồng tình của xã hội. Chỉ ra để gỡ bỏ những nút thắt, những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển- đó chính là điều Tổ công tác đã làm được.

Tuy nhiên, dư luận trông đợi, sau khi những điểm nghẽn đã được chỉ ra, có nghĩa là trên “lay” thì bên dưới “động” thế nào.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng- Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, tính từ đầu năm tới ngày 31/7, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ.

Còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 5.856 nhiệm vụ trong hạn và chỉ có 237 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 3,2%. Chỉ có 3,2% nhiệm vụ quá hạn, đó là con số đáng mừng trong việc “hậu kiểm” các nhiệm vụ Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những nút thắt được coi là điểm nghẽn của nền kinh tế sẽ dần được tháo gỡ, khắc phục thông qua kiểm tra.

Nghẽn nhất có lẽ nằm ở các thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục được ví von như những chiếc vòng kim cô kìm hãm sự phát triển. Để công phá những điểm nghẽn này, Tổ công tác đã chia thành nhiều cuộc kiểm tra chuyên ngành qua đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành để bãi bỏ những thủ tục được coi là “hành” doanh nghiệp.

Tại cuộc kiểm tra về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu hôm 21/8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu lên thực trạng “kiểm tra chuyên ngành quá nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất ít”.

Thực tế, doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công, 14.300 tỷ đồng cùng chi phí không chính thức cực lớn để “đối phó” với sự kiểm tra này.

Điểm mặt rõ tại sao vẫn còn nhiều thủ tục như vậy “hành” doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, thủ tục bất hợp lý tồn tại tưởng là nghịch lý nhưng nó có lý của nó.

Lý nằm ở quyết tâm của Bộ, ngành chưa đủ mạnh để thực hiện cải cách chứ không phải mắc mớ vì “luật quy định thế” như đại diện nhiều bộ ngành kêu ca.

Chẳng hạn, Nghị định 38 được coi là gây khó cho doanh nghiệp, ngay sau khi nghe đại diện của các Bộ Y tế, NNPTNT kêu khó khi tiến hành sửa đổi Nghị định này ông Mai Tiến Dũng đã chỉ rõ: “Thực tế không như báo cáo. Quan trọng nhất là kiểm tra nhiều nhưng phát hiện không ra. Phải rà soát lại những nội dung nào có thể cắt đi được. Nếu cần thì sửa đổi thông tư, nghị định và cao hơn là kiến nghị Quốc hội sửa luật. Đừng nói luật như vậy thì ta cứ làm vậy”- ông Mai Tiễn Dũng nói.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, trên thực tế, các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra từ các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố…, nghĩa là nguy cơ mất an toàn nằm ở nhóm hàng hóa khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 38.

Như vậy, cơ quan quản lý dành 98% nguồn lực vào chỗ rủi ro ít, trong khi những nơi có nhiều nguy cơ nhất lại không được quan tâm.

“Doanh nghiệp đã kêu như vậy, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo sửa đổi, tôi cho rằng cần bỏ thủ tục này và chuyển sang một phương thức quản lý khác tốt hơn. Còn duy trì một công cụ vừa tốn kém, vừa không có hiệu lực thì có thể làm đảo lộn những giá trị về quản lý”- ông Cung nói và lưu ý rằng “đừng để đến lúc doanh nghiệp chán nản không muốn phản ánh nữa”.

Trở lại công việc Tổ công tác của Thủ tướng, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tới đây Tổ công tác sẽ kiểm tra sâu từng thủ tục của từng bộ, mỗi Bộ phải công khai có bao nhiêu mặt hàng phải kiểm tra.

Muốn bãi bỏ thủ tục hành chính bất hợp lý, điều này cũng đồng nghĩa với việc phải sửa đổi nhiều Nghị định. Trước đó, hồi cuối tháng 3, Tổ công tác đã có buổi làm việc với nhiều Bộ, ngành để làm rõ nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc trình 10 nghị định đã quá hạn được Thủ tướng giao.

Còn nhớ, tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truy trách nhiệm của từng đơn vị trong việc chưa hoàn thành công việc được giao. Có thể nêu ví dụ, tại buổi kiểm tra việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã điểm mặt, có tới 13 bộ ngành, địa phương giải ngân vốn chậm dưới 20%, bị Thủ tướng phê bình.

Đó là các bộ ngành, địa phương: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Y tế, Ủy ban Dân tộc, TTXVN, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước.

“Thủ tướng rất gắt gao việc này và liên tục nhắc tôi chuyển lời đến các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh giải ngân chậm. Nguyên nhân chậm trễ này trước hết thuộc về lãnh đạo các bộ ngành, địa phương”- ông Dũng nói.

Tới thời điểm này chưa đủ thời gian để khẳng đinh trên “lay” thì dưới dưới đã “chuyển”. Nhưng rõ ràng, nhờ sự chỉ mặt, điểm tên những hạn chế của Tổ công tác của Thủ tướng đã giúp các đơn vị được kiểm tra đã phải nỗ lực rất nhiều, không thể đủng đỉnh được nữa.

Nguyên Khánh