'Lạc đà chui qua lỗ kim'
Những gì đang được làm sáng tỏ tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty VN Pharma) cùng đồng bọn về tội buôn lậu và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, đã khiến dư luận giật mình, sửng sốt.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng- nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VN Pharma trước tòa.
Những kẻ vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ đã không chỉ bất chấp pháp luật mà còn bất chấp cả tính mạng người mắc bệnh hiểm nghèo.
Bị cáo đầu vụ Nguyễn Minh Hùng đã thuê một dược sĩ làm giả hồ sơ kỹ thuật để nộp Cục Quản lý dược, Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc, trong đó có 9.300 hộp H-Capita 500mg (điều trị bệnh ung thư) giả, trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng còn sử dụng con dấu, chữ ký của hai công ty nước ngoài để làm giả hợp đồng mua bán nhiều loại thuốc khác.
Số tiền hơn 2 tỷ đồng chênh lệch do nâng khống giá thuốc được bị cáo Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo nhân viên chi cho các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc của Công ty mình nhập khẩu.
Nghĩa là những hành vi phạm pháp và thất đức đã kết chuỗi trong một quá trình khép kín từ nhập khẩu nguồn thuốc giả cho đến việc kê toa bốc thuốc và móc túi người bệnh.
Đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và các bị cáo trong vụ án này mức án nghiêm khắc.
Thế nhưng, sự nhức nhối được phơi bày từ vụ án này không thể không đặt ra những vấn đề lớn hơn, có tính nguyên tắc cao hơn trong quản lý nhà nước về nhập khẩu, phân phối thuốc điều trị người bệnh.
Tình trạng “con lạc là chui qua lỗ kim” không thể diễn ra một cách công nhiên nếu có cơ chế quản lý chặt chẽ được thực thi bởi những con người có đạo đức trong sáng.
Thế nhưng điều rất lạ đã xảy ra. Hồ sơ kỹ thuật với số lượng thuốc xin nhập khẩu thuốc đặc trị lớn như ở vụ án Công ty Pharma mà các bị cáo vẫn có thể dễ dàng thực hiện như “thọc tay vào túi lầy đồ”?
Phải chăng nội dung hồ sơ được quy định bởi cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người bệnh, lại tồn tại những khe hở hoặc quá sơ sài, không chặt chẽ?
Và đó chính là cơ hội cho những kẻ buôn thuốc lậu hoành hành. Nếu như các quy định nhập khẩu thuốc đã đựơc xác lập một cách chặt chẽ, khoa học, thì chỉ có thể là ma lực của “bàn tay đen” và lợi ích phi pháp đã để cho hồ sơ kỹ thuật giả qua cửa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành một cách dễ dàng.
Những hành vi phạm pháp, sai trái vì lợi ích không chỉ xảy ra ở khâu nhập khẩu nguồn thuốc. Tại phiên tòa hình sự đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, những kẻ buôn lậu giả đã thừa nhận việc chỉ đạo cả một mạng lưới chân rết phân phối bắt tay với bác sĩ để tiêu thụ thuốc bằng việc kê đơn cho người bệnh.
Bao nhiêu người bị bệnh ung thư đã trở thành nạn nhân xấu số của quy trình nhập khẩu, phân phối thuốc giả? Những dấu chân của lộ trình nhập khẩu và phân phối thuốc giả vào bệnh viện vẫn chưa thể hiện một cách đầy đủ trong phạm vi xét xử của vụ án.
Cái giá của những khoản lợi ích bất chính từ hành vi buôn lậu thuốc đặc trị bệnh ung thư giả cho đến việc tiếp tay phân phối vào bệnh viện là sự đánh đổi trực tiếp mạng sống của con người.
Việc làm rõ, xử lý trách nhiệm của những người xét duyệt cấp phép nhập khẩu những lô thuốc hàng giả, làm rõ quy trình “kê toa bốc thuốc giả”, chính là một trong những biện pháp cấp thiết nhằm phòng ngừa tái diễn nguồn thuốc độc hại luồn vào cơ thể người bệnh.
Trên thực tế, nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân (nói rõ là không thể chấp nhận), nạn thuốc giả hoành hành. Từ đông y cho tới biệt dược- cũng đều có thuốc giả.
Nhiều người nhân danh y học dân tộc đã bán nhiều “bài thuốc” vô thưởng vô phạt, cốt thu được càng nhiều tiền càng tốt. Những “mẹo lạ , thuốc hay” xuất hiện tràn lan khiến người ta như lạc vào mê trận thuốc nam, thuốc bắc.
Nhưng đáng sợ nhất là biệt dược. Không ít nơi bằng lối rỉ tai nhau người ta thầm thì về thuốc chưa ung thư, chữa AIDS, kể cả chữa... đứt mạch máu não.
Tất nhiên là giá cả trên trời. Những loại thuốc này không được cơ quan quản lý nhà nước công nhận, mà trôi nổi trên thị trường với giá cắt cổ.
Ngay đến chuyện sừng trâu biến thành sừng tê giác cũng không còn lạ nữa. Và, cũng không thể không nói đến chuyện thực phẩm chức năng giả danh là thuốc chữa bệnh. Trong vòng hơn 3 năm trở lại đây, thực phẩm chức năng các loại tràn ngập, không còn biết thật giả đến đâu.
Thuốc chữa bệnh, hay nói rộng ra là những gì đưa vào cơ thể đều phải rất thận trọng. Người xưa nói “bệnh từ miệng mà vào” cũng là để cảnh tỉnh con người về tật bệnh.
Tuổi thọ con người cao hơn nhưng bệnh tật cũng nhiều hơn, nặng hơn. Vì vậy, việc kiểm soát kỹ lưỡng thuốc chữa bệnh là vấn đề không thể coi nhẹ. Không thể để “lạc đà chui qua lỗ kim”.
Nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma bị đề nghị 10-12 năm tù Ngày 22-8, nêu quan điểm buộc tội trước tòa, đại diện Viện KSND TP cáo buộc bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VN Pharma đóng vai trò chính trong chỉ đạo thuộc cấp và Phòng Nghiên cứu phát triển của Công ty VN Pharma thuê đối tượng Phạm Văn Thông làm giả hồ sơ kiểm nghiệm thuốc H-Capita 500 mg của Công ty Helix (Canada) để sau đó trình Cục quản lý dược duyệt cấp phép. Bị cáo Hùng cũng bị cáo buộc dùng con dấu bất hợp pháp để ký vào hợp đồng giả mua bán thuốc với Công ty Austin (Hồng Kông). Các hành vi của bị cáo Hùng bị khép vào cấu thành tội danh “Buôn lậu”, với tổng mức hình phạt được đề nghị là 10 - 12 năm tù. Đại diện Viện KSND cũng luận tội đối với bị cáo Võ Mạnh Cường- Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C đã tham gia trong vai trò sử dụng, cung cấp giấy tờ giả mạo; môi giới cung cấp thuốc chữa bệnh kém chất lượng; thỏa thuận với bị cáo Hùng để nâng khống giá thuốc. Từ các hành vi trên, Cường thu lời bất chính, tiêu xài cá nhân gần 2,1 tỷ đồng. Do đó, đại diện Viện KSND cũng đã đề nghị mức án 10 - 12 năm tù đối với bị cáo Cường. Ông Phạm Anh Kiệt- nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dược Sài Gòn bị cáo buộc sử dụng con dấu bất hợp pháp của Công ty Austin (Hồng Kông), qua đó giúp Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc trót lọt. Các sai phạm của Kiệt bị đại diện Viện KSND quy kết tội danh “Làm giả con dấu cơ quan, tổ chức”, với mức đề nghị 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. 7 đồng phạm của vụ án, bao gồm Nguyễn Trí Nhật, Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma; Ngô Anh Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma; Phan Cẩm Loan, nguyên Phó Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma;, Lê Thị Vũ Phương, nguyên Kế toán trưởng Công ty VN Pharma; Bùi Ngọc Duy, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển Công ty VN Pharma và Phan Văn Thông ( dược sỹ) đã bị đề nghị các mức án từ 4 -6 năm tù. Lê Anh |