Huy động sinh viên tình nguyện diệt bọ gậy

Đức Trân 23/08/2017 08:15

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết (SXH) lên cao Bộ Y tế tiếp tục điều động sinh viên các trường y tham gia công tác giám sát diệt bọ gậy. Từ hôm nay, ngày 23/8, các đội sinh viên tình nguyện sẽ chính thức ra quân cùng các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy ở 10 quận/huyện trọng điểm tại địa bàn Hà Nội

Sáng 22/8, 90 sinh viên của Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y tế Công cộng do Bộ Y tế điều động đã được Sở Y tế Hà Nội tập huấn về phòng chống dịch SXH. Đội ngũ sinh viên này sẽ được huy động làm nhiệm vụ giám sát công tác diệt bọ gậy của các đội xung kích diệt bọ gậy ở các quận/huyện.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, các sinh viên sẽ được chia thành 10 nhóm để hỗ trợ và giám sát việc diệt bọ gậy tại 10 quận/huyện có số ca mắc SXH cao nhất Hà Nội hiện nay.

Mỗi nhóm sinh viên sẽ chia thành các đội, mỗi đội gồm 2 người có nhiệm vụ giám sát 2 tổ xung kích diệt bọ gậy. Các đội sẽ chọn ngẫu nhiên 10 hộ gia đình trong danh sách các hộ gia đình mà 2 đội xung kích địa phương quản lý để kiểm tra số lần đội xung kích đến với hộ gia đình, soi tìm ổ bọ gậy và xử lý.

Hàng ngày, các nhóm sinh viên sẽ làm việc với địa phương, tổng hợp kết quả báo cáo gửi về Trung tâm Y tế dự phòng và họp với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch TP 1 tuần/lần.

Trước đó, để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn, Sở Y tế TP. Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích cùng người dân định kỳ kiểm tra, xử lý các dụng cụ chứa nước, vật dụng có khả năng là ổ bọ gậy.

Ông Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc tiêu diệt muỗi, bọ gậy.

Chưa kể nhân lực y tế ít, nhiều ca bệnh, ổ dịch xuất hiện trong cùng một thời gian nên công tác điều tra bệnh nhân, côn trùng, xử lý dịch và thu dung, điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt người dân chưa hoàn toàn phối hợp và chủ động trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành; sự tham gia giao lưu, buôn bán và làm việc của người dân tới các quận nội thành, nơi có số ca mắc SXH cao khiến cho tình hình dịch tiếp tục gia tăng.

Cũng theo dữ liệu cập nhật, tính đến ngày 21/8, Hà Nội đã ghi nhận hơn 19.000 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc của Hà Nội trong tuần qua đã vượt lên số ca mắc tại TP HCM.

Cũng trong ngày 22/8, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã buổi làm việc với huyện Thanh Oai về công tác phòng chống dịch SXH.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị, UBND TP, các sở, ngành bám sát nhiệm vụ kiểm tra các quận, huyện, thị, những nơi có phát sinh các ca mắc mới nhiều cần báo cáo Thành ủy để xem xét.

Sở Y tế tham mưu TP quy trình phun thuốc hiệu quả, tránh quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe người, tránh lãng phí, bảo đảm không được thiếu trang thiết bị; tuyên truyền thêm về các phác đồ điều trị để không phát sinh các ca bệnh mới, không để nhập viện nhiều; chỉ đạo các huyện phân tuyến bệnh nhân, không giữ bệnh nhân lại quá lâu; nếu quá tải bệnh nhân thì đề nghị điều tiết với các bệnh viện của các huyện xung quanh.

Đức Trân