Chủ động tham mưu, đề xuất các chính sách giảm nghèo

Khanh Lê 23/08/2017 08:30

Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động của văn phòng giảm nghèo do Bộ LĐTB&XH tổ chức mới đây.

Theo Bộ LĐTB&XH từ 16 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) của giai đoạn 2011-2015, Quốc hội đã quyết định giai đoạn 2016 - 2020 rút xuống chỉ còn 2 CTMTQG là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiện toàn lại bộ máy Ban chỉ đạo CTMTQG. Theo Nghị quyết của Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương hình thành 1 Ban chỉ đạo.

Về cơ chế quản lý, điều hành, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện CTMTQG cấp Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Bộ KH&ĐT là cơ quan tổng hợp 2 Chương trình; Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì CTMTQG xây dựng NTM; Bộ LĐTB&XH là cơ quan chủ trì CTMTQG giảm nghèo bền vững; Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH Ngô Trường Thi cho biết, Nghị quyết của Chính phủ quy định việc hình thành bộ máy giúp việc BCĐ các cấp ở địa phương theo nguyên tắc: Không tăng biên chế, không tăng chi phí; không tạo ra từng nấc trung gian, không tăng thêm thủ tục hành chính; đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả, xử lý nhanh công việc, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kịp thời đề xuất, kiến nghị; UBND tỉnh Quyết định thành lập bộ máy giúp việc theo yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo ông Ngô Trường Thi, về chức năng, nhiệm vụ của BCĐ là tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương; Xây dựng kế hoạch vốn, đề xuất bố trí, phân bổ vốn Chương trình, giám sát kết quả, tiến độ thực hiện; Tham mưu, chuẩn bị nội dung các kỳ họp của BCĐ…

Là tỉnh có 2 huyện nghèo thuộc diện hỗ trợ Chương trình 30a; 60 xã đặc biệt khó khăn, 153 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.

Theo kết quả khảo sát năm 2017, tỉnh Bắc Kạn 26,61% hộ nghèo. Các chính sách giảm nghèo đã tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của cả tỉnh chưa thật sự bền vững; số hộ thoát nghèo lên cận nghèo còn lớn; tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao; đời sống của nhân dân, nhất là dân cư ở vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn.

Do đó để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các chương trình muc tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng cho biết, Bắc Kạn quyết định thành lập BCĐ CTMTQG nhưng bộ máy giúp việc 2 cơ quan khác nhau: CTMTQG NTM do Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực, CTMTQG giảm nghèo do Sở LĐTB&XH là cơ quan thường trực nên dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy cồng kềnh.

Từ những bất cập trên, ngày 1/1/2017, tỉnh Bắc Kạn quyết định Văn phòng điều phối xây dựng NTM và giảm nghèo trực thuộc UBND tỉnh.

Theo đó, Văn phòng điều phối có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG về NTM và giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 vè Đề án Mỗi xã phường một sản phẩm. Đến nay, Văn phòng điều phối đã ổn định về tổ chức, bộ máy, bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả.

Hiện nay theo thống kê của Bộ LĐTB&XH đã có 8 tỉnh, TP kiện toàn và thành lập bộ máy giúp việc BCĐ cấp tỉnh về giảm nghèo bền vững gồm: Bắc Kạn, Đồng Nai, Hòa Bình, Quảng Ngãi, TP HCM, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh và Quảng Nam.

Về mô hình tổ chức, TP HCM, Trà Vinh thành lập Văn phòng giảm nghèo chuyên trách. Tỉnh Bắc Kạn thành lập Văn phòng điều phối CTMTQG NTM và giảm nghèo bền vững, trực thuộc UBND tỉnh.

Các tỉnh còn lại Văn phòng giảm nghèo do UBND tỉnh Quyết định thành lập, đặt tại Sở LĐTB&XH.

Khanh Lê