Đoạn cuối của xe hơi động cơ đốt trong ở Đức

Linh Chi 23/08/2017 08:25

Các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong lại đứng trước nguy cơ có thể bị xóa sổ một lần nữa, sau khi mới đây chính quốc gia khai sáng ra loại xe chạy động cơ này tuyên bố có thể cấm chúng trong tương lai để chuyển sang sử dụng các loại động cơ thân thiện hơn với môi trường.

Đức có thể cấm xe hơi chạy xăng và dầu diesel để đạt các mục tiêu về chất lượng không khí. (Nguồn: Spiegel).

Trong một buổi phỏng vấn với báo chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiết lộ rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Đức tiếp bước theo các nước như Pháp, Anh, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác trong việc ngừng bán mới các loại xe sử dụng động cơ đốt trong bằng xăng và dầu diesel.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Super Illu, khi được hỏi liệu Đức có nên đặt ra một thời hạn chót để ngừng hẳn việc bán ra các loại phương tiện chạy động cơ đốt trong hay không, bà Merkel đã trả lời: “Tôi chưa thể đặt ra một thời hạn chính xác được, nhưng hướng tiếp cận này là đúng đắn bởi nếu chúng ta nhanh chóng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ cho xe hơi năng lượng điện, một cuộc thay đổi tổng thể là điều hoàn toàn có thể”.

Một người phát ngôn của Chính phủ Đức sau đó cũng xác nhận về tuyên bố của Thủ tướng Merkel trong một bức email gửi tới chuyên trang kinh tế CNNMoney hôm đầu tuần này.

Trở lại năm 1886, Carl Benz đã khởi xướng nền móng về “một phương tiện vận hành bằng động cơ xăng”, từ đó mà cho ra đời các loại phương tiện ngày nay. Giờ đây, chế tạo xe hơi chính là ngành công nghiệp lớn nhất của Đức và cũng là mặt hàng xuất khẩu hàng dầu của nước này.

Hãng chế tạo xe hơi lớn của Đức Volkswagen hiện cũng là nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới nếu xét về doanh số bán hàng, trong khi hãng sở hữu Mercedes Benz - Daimler - BMV và Porsch cũng là những hãng xe hơi hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Merkel hiện đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ tư của mình trong kỳ bầu cử tổ chức vào ngày 24/9 tới, và áp lực đối với Chính phủ của bà ngày càng gia tăng trong việc phải đưa ra quan điểm cứng rắn hơn đối với vấn đề ô nhiễm không khí cũng như cuộc khủng hoảng liên quan tới động cơ diesel (bị người dân coi là một nguồn gây ô nhiễm).

Thêm vào đó, vụ bê bối xảy ra cách đây gần 2 năm khi Volkswagen thừa nhận gian lận về thông số khí thải bằng cách chỉnh sửa phần mềm để khiến các động cơ diesel có thông số khí thải ít hơn trong các kỳ kiểm tra... cũng càng khiến sức ép gia tăng.

Kể từ vụ bê bối đó, nhiều hãng chế tạo xe hơi - bao gồm cả các công ty của Đức - đã bị điều tra xem liệu họ có hành động tương tự như Volkswagen hay không. Một số thị trấn và thành phố của Đức thậm chí còn đe dọa sẽ cấm ngặt xe hơi chạy bằng diesel được lưu hành do lo ngại về vấn đề ô nhiễm không khí.

Và danh tiếng của ngành công nghiệp chế tạo xe hơi ở Đức - với biểu tượng “Made in Germany” cùng cam kết về chất lượng và độ tin cậy - cũng bị ảnh hưởng vào tháng trước, khi giới chức châu Âu nói rằng họ đang điều tra về nghi vấn các hãng chế tạo xe hơi đang vận hành một tổ chức liên kết phi pháp trong suốt nhiều năm liền.

Sau một cuộc họp khẩn cấp giữa giới chính trị gia kỳ cựu và lãnh đạo ngành công nghiệp chế tạo xe hơi hàng đầu hồi tháng trước, ngành công nghiệp xe hơi ở Đức đã thỏa thuận sẽ hiệu chỉnh lại hơn 5 triệu xe hơi chạy bằng dầu diesel để giảm lượng khí thải.

Nhưng dường như điều đó là chưa đủ, bởi chính phủ nước này giờ còn muốn đi xa hơn nữa nhằm thực thi các cam kết mà Đức đã đưa ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

“Rõ ràng là các mục tiêu về biến đổi khí hậu mà chúng ta đã đặt ra cho năm 2050 - cụ thể là giảm lượng khí thải CO2 tới 80-95% - là rất tham vọng, dù cho các loại phương tiện giao thông sinh khí thải CO2 có được giảm bớt đi chăng nữa” - Thủ tướng Merkel nói.

Tuyên bố trên của bà Merkel được đưa ra trong lúc mà Bộ Tài chính nước này thừa nhận rằng vụ bê bối về dầu diesel của Volkswagen có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn nhất của châu Âu.

Trong báo cáo hàng tháng đưa ra trong tháng này, Bộ Tài chính Đức đã liệt “khủng hoảng diesel” vào danh sách các mối đe dọa kinh tế của họ, sánh ngang với ảnh hưởng từ các cuộc đàm phán Brexit với Anh hay quan điểm bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Các rủi ro hiện tại liên quan tới Brexit và chính sách thương mại tương lai của nước Mỹ. Thêm vào đó, cái gọi là “Khủng hoảng diesel” cũng cần được xếp loại như một rủi ro mới, dù rằng ảnh hưởng của nó chưa được ước tính ở thời điểm hiện tại” - Báo cáo trên nêu rõ.

Bộ Tài chính Đức nói rằng dữ liệu và các nghiên cứu mà họ thực hiện cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng để đạt được một quý mới (từ tháng 6- tháng 9 năm nay) thành công; tuy nhiên cuộc “khủng hoảng diesel” có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế của Đức, đặc biệt là khi mà ngành chế tạo xe hơi đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này.

Linh Chi