Chí Linh mùa na chín
Về thị xã Chí Linh (Hải Dương) đúng vụ thu hoạch na chính vụ, vào thăm một số nhà vườn trồng na của thôn Tân Tiến, xã Hoàng Tiến, chúng tôi đều bắt gặp cảnh người dân bận rộn cắt na, đóng thùng xốp để bán cho các khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Anh Phùng Đình Thời, chủ vườn na ở thôn Tân Tiến, xã Hoàng Tiến cho biết: “Năm nay, đa số các hộ trồng na ở trong thôn, trong xã tiếp tục được mùa. Thời tiết tuy không thuận lợi nhưng do nhiều hộ có kinh nghiệm, kỹ thuật về chăm sóc na nên vẫn cho năng suất cao. Nhà tôi có 1ha na, năm nay ước thu hoạch được 13 tấn quả”. Theo anh Thời, giá na năm nay ổn định như năm ngoái, đầu vụ giá từ 35 – 40 nghìn đồng/kg, hiện tại chính vụ giá từ 20 – 25 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, vụ na năm nay anh Thời ước thu được hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi 100 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến cho biết: Xã Hoàng Tiến có hơn 200ha na, trong đó các thôn Tân Tiến, Ngũ Đài, Vàng Gián, Phục Thiện đã xây dựng được vùng chuyên canh na tập trung. Những năm trước đây, khi diện tích na còn chưa nhiều, giá na khá cao, đầu vụ tầm 50 – 60 nghìn đồng/kg, chính vụ cũng từ 30 – 40 nghìn đồng/kg thì thu nhập của những hộ trồng na còn cao hơn. Nhiều hộ sau khi trừ chi phí lãi 200 – 300 triệu đồng/vụ là bình thường.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, hiện nay tổng diện tích na của thị xã có gần 700 ha, số hộ trồng na với diện tích từ 0,5ha trở lên có trên 200 hộ. Năng suất na bình quân trên địa bàn thị xã Chí Linh đạt từ 10–12 tấn/ha, thâm canh chăm sóc tốt năng suất có thể đạt từ 15–19 tấn/ha. Các hộ trồng na cho thu nhập cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, góp phần không nhỏ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cuối năm 2015, Hội Nông dân thị xã Chí Linh làm hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể na Chí Linh và cuối năm 2016 đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể na Chí Linh. Bà Diệp Thị Thư, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Chí Linh cho biết: Năm 2016, thị xã Chí Linh đã triển khai thí điểm 30 ha na theo quy trình VietGap tại xã Hoàng Tiến, phường Bến Tắm. Năm 2017, thị xã Chí Linh tranh thủ được sự ủng hộ, đầu tư của tỉnh Hải Dương để triển khai tiếp 30 ha theo quy trình VietGap.
Theo bà Thư, việc triển khai mô hình VietGap đối với cây na đem lại kết quả tương đối khả quan, bước đầu các hộ tiếp thu, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; tạo được vùng sản xuất na theo hướng an toàn, bền vững; sản phẩm tiếp cận được với thị trường cao cấp, tạo mối liên kết cùng có lợi giữa doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng. Đặc biết giá thành sản phẩm tăng từ 12–15 % so với những hộ không tham gia dự án VietGap. Đây là cơ sở để thị xã Chí Linh nhân rộng các vùng na trên địa bàn toàn Thị xã theo mô hình sản xuất na VietGap.
Tìm hiểu, được biết Thị xã Chí Linh còn đang xúc tiến để thành lập Hiệp hội Na Chí Linh. Đây là việc cần thiết để tăng cường công tác quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na Chí Linh ra thị trường.