Nỗi buồn bên những công trình nghìn tỷ - Bài 2: Dân bất lực

Phạm Hưởng 26/08/2017 07:45

Để triển khai xây dựng dự án, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những lời hứa hẹn nhằm trấn an người dân. Tuy nhiên khi đến nơi ở mới, nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư tại tỉnh Kon Tum mới “té ngửa”.

Tái định cư thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng chẳng khác nào khu phố giữa rừng.

Di dân vào rừng

Từ trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum), theo tỉnh lộ 676 hơn 40km đến “khu phố” tái định cư thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng với những dãy nhà sơn vàng, mái đỏ đã nhuốm rêu phong giữa bạt ngàn rừng xanh.

Theo người dân ở “khu phố” này, đây là bản tái định cư thuộc Dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Cty Cp thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Cty Vĩnh Sơn) làm chủ đầu tư. Người dân chuyển đến sinh sống từ giữa năm 2015 với 66 hộ dân (nay có thêm 28 hộ) chủ yếu là bà con dân tộc Xê Đăng.

Cách “khu phố” Đắk Tăng gần 20km là một “khu phố” khác, thuộc xã Đắk Tăng là thôn Vi Rin, với 40 nóc nhà cũng thuộc Dự án tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum nằm nhấp nhô bên sườn đồi, quanh thôn là những quả đồi bị cạo trọc, cây cối nằm ngã rạp, cháy đen nham nhở và được thay thế bằng khoai, mì, cà phê xứ lạnh.

Theo ghi nhận, hai “khu phố” tái định cư với những ngôi nhà xây san sát, uốn lượn trên đỉnh núi, được bao quanh bởi rừng xanh. Để vào bản, chỉ có một con đường duy nhất là tỉnh lộ 676. Dù mới di dân đến ở được hơn 2 năm, “phố” đã bắt đầu xuống cấp, xuất hiện nhiều điểm sạt lở quanh thôn. Chị Y Vung buồn rầu nói, chẳng biết sao họ lại đưa bà con vào sâu tận trong rừng. Ở đây buồn lắm, chẳng có việc gì để làm!

Trước thắc mắc, tại sao lại tái định cư bà con vào giữa rừng, nằm sát khe suối, ông Lê Thanh, Phó Ban QLDA Cty Cp Thủy điện Vĩnh Sơn nói: “Chủ đầu tư Dự án thủy điện Thượng Kon Tum đã chuyển cho tỉnh Kon Tum và tỉnh này đã giao cho các đơn vị ở huyện thực hiện”.

Trao đổi với PV, ông Trương Văn Minh, Phó Ban Quản lí Dự án di dân (TĐCĐC) huyện Kon Plông cho biết: “Địa điểm tái định cư 2 thôn Đắk Tăng và thôn Vi Rin là địa điểm bằng phẳng nhất và đã được chọn theo nguyện vọng của nhân dân 2 thôn. Năm 2015 nhân dân 2 thôn lên khu tái định cư mới nhưng vẫn canh tác ở nơi sản xuất cũ (cách khu tái định cư mới khoảng 1km) nên cuộc sống của nhân dân vẫn ổn định sản xuất. Hiện nay Ban QLDA đang giao đất sản xuất lúa nước cho nhân dân canh tác trước khi tích nước lòng hồ thì nhân dân vẫn có đất sản xuất lâu dài”.

Trông chờ Chính phủ

Để nhường lại đất cho thủy điện Thượng Kon Tum, khi di dời mỗi hộ dân được cam kết hỗ trợ 1.000m2/hộ đất ở, đất vườn, được cấp 4 sào lúa nước, 1 ha đất sản xuất, nhưng đến nay, 106 hộ dân tại thôn Đắk Tăng, Vi Rin mới chỉ nhận được 2 sào lúa nước, 2 sào còn lại được chính quyền hỗ trợ bằng tiền để tự khai hoang. Riêng 1 ha đất sản xuất hiện chỉ vẫn trên giấy tờ, văn bản. Ông A Lêk, thôn tái định cư Đắk Tăng cho biết: “Mình về đây ở từ năm 2015, hiện chưa được cấp rẫy, nghe nói cấp cho mỗi hộ 1 ha nhưng chưa biết cấp khi nào, chỗ nào. Họ mới chỉ cấp ruộng lúa gần 2 sào, nhưng ruộng ở xa, để đi đến chỗ ruộng mất khoảng 2,5 tiếng đi bộ”.

Việc cấp đất sản xuất cho người dân bị chậm trễ, theo ông Trương Văn Minh, Phó Ban Quản lí Dự án di dân (TĐCĐC) huyện Kon Plông thì huyện đã qui hoạch, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng gần 75ha đất của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông để cấp cho dân, thế nhưng thủy điện Thượng Kon Tum thông báo tháng 5-2018 sẽ tích nước, hiện toàn bộ diện tích đất canh tác của người dân nằm trọn dưới vùng lòng hồ, để kịp cấp đất cho người dân, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã báo Chính phủ, Bộ ngành liên quan chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vướng mắc.

Đáng ngại hơn Dự án TĐCĐC thủy điện Thượng Kon Tum, hơn 4 năm qua gần 200 hộ dân huyện Kon Plông(Kon Tum) và 509 hộ dân huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nằm trong vùng ngập lụt thủy điện Đắk Đrinh (Thủy điện Đắk Đrinh, được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, Kon Tum, có công suất 125MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 2/2008 và đi vào vận hành từ năm 2014) phải di dời nhưng bị chủ đầu tư “thất hứa”, không cấp đất sản xuất, bồi thường hỗ trợ khiến họ lâm cảnh đói khát. Đã có 34 hộ dân tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông bất chấp hiểm nguy sạt lở để quay về làng cũ, nhiều người dân đã bức xúc, cầu cứu chính quyền.

Ngày 24/7/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản 1939/UBND-NNTN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Cty Cp thủy điện Đắk Đrinh khẩn trương bố trí kinh phí còn thiếu để tỉnh Kon Tum hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư, định canh và di dời khẩn cấp đối với các hộ dân còn lại với số tiền là 95 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường hỗ trợ là 70 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư, tái định canh là 25 tỷ đồng.

Liên quan đến công trình thủy điện nghìn tỷ này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản số 4567/UBND-CNXD, ngày 28/7/2017, đề nghị Cty Cp thủy điện Đắk Đrinh xem xét, giải quyết dứt điểm, bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án thủy điện Đắk Đrinh; không để kéo dài, gây bức xúc cho người dân, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Phạm Hưởng