Bài 2: Sinh kế bền vững cho lao động di cư
Trong quá trình phát triển, bất cứ quốc gia nào cũng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến người lao động (NLĐ).
Trong đó, giải quyết việc làm cho những nhóm lao động đặc thù, yếu thế trong đó có lao động di cư luôn là nội dung quan trọng, bức thiết nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của mỗi nước. Bởi chỉ khi có được việc làm bền vững thì lao động di cư mới có đủ khả năng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Có được việc làm ổn định là mong ước của lao động nhập cư.
Cơ hội cho lao động di cư
Với mục đích tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư độ tuổi 18 đến 30 ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, tăng cơ hội việc làm bền vững.
Mới đây, tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) khởi động Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Dự án được triển khai thí điểm tại huyện Đông Anh từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2019.
Chia sẻ về dự án, bà Sharon Kane - Giám đốc Plan International Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang nỗ lực để thu gọn khoảng cách giàu nghèo. Nhiều bạn trẻ đang có xu hướng ra thành phố tìm việc làm… đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Thách thức ở đây là làm thế nào để lao động nữ có việc làm bền vững, được hỗ trợ các kỹ năng mềm”.
Theo dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập.
Trên 800 người sẽ được đào tạo, tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc. 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo.
100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 250 học viên tham các khóa học nghề khác nhau.
Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Dung (Cẩm Khê - Phú Thọ) là một trong những trường hợp điển hình hưởng lợi từ dự án. Do gia đình nghèo nên Dung sớm phải từ bỏ giấc mơ theo học đại học. Chị xuống Hà Nội làm công nhân và phải chuyển nhà trọ cả chục lần để thích ứng với công việc.
Chồng mất sớm, một mình Dung phải vật lộn mưu sinh, chăm sóc con cái. Cuộc sống của Dung bắt đầu có sự đổi thay khi được tiếp cận với dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Hiện chị được học nghề miễn phí và đang từng bước nỗ lực để mở một cửa hàng tóc trong tương lai.
Chia sẻ thêm về dự án, ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho biết: Dự án này tiến bộ ở chỗ, các đơn vị doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia xây dựng quy trình đào tạo học viên. Hiện tại, dự án đã có 13 doanh nghiệp tham gia, chủ yếu là các lĩnh vực ngành nghề như: nấu ăn, cắt tóc, spa…
Cần có giải pháp hỗ trợ
Dù mới được triển khai trong khoảng thời gian ngắn song có thể thấy hiệu quả từ dự án đem lại rất lớn. Được học nghề và có việc làm ngay sau khi học đã giúp lao động di cư có việc làm ổn định, từ đó họ tự chủ động mua BHXH, BHYT để bảo đảm cho sức khỏe cũng như khi về già.
Song không phải lao động di cư nào cũng có được cơ hội này. Khảo sát riêng của tổ chức Plan International Việt Nam tại huyện Đông Anh vào tháng 11/2016 cho thấy, hơn 80% số người được hỏi đều cho biết công việc hiện tại của họ chỉ mang tính thủ công, không giúp ổn định nghề nghiệp sau khi nghỉ việc.
Đáng nói, 53,3% số nữ lao động đều mong muốn được chuyển sang một công việc khác bền vững hơn.
“Gần 90% phụ nữ di cư nhưng không có mục đích, họ không biết mình sẽ phải làm công việc gì khi đến thành phố. Công việc họ làm chủ yếu chỉ mang tính thủ công, họ thường thiếu các thông tin về những nơi ở trọ an toàn”- ông Lưu Quang Đại, Giám đốc chương trình Plan International cho biết.
TS Vũ Minh Tiến- Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Lao động yếu thế chiếm khoảng 1/4 - 1/5 lực lượng lao động xã hội. Họ đang từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình của họ - góp phần ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và an sinh xã hội của địa phương và đất nước.Tuy vậy, phần lớn họ đang gặp rất nhiều khó khăn về bảo đảm kế sinh sống lâu dài. Chính vì vậy nếu không tìm được các giải pháp để tạo sinh kế bền vững, đặc biệt là nếu không từng bước giảm được số lượng này thì rất dễ dẫn đến những hệ lụy, khiến cho nền kinh tế- xã hội phát triển không bền vững.
Trên thực tế những khó khăn chính mà lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư khu vực phi chính thức đang phải “đối mặt” chính là ít có cơ hội tìm kiếm được việc làm bền vững, thu nhập thấp và đặc biệt rất ít được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Theo khảo sát của Oxfam có tới 67,2% NLĐ di cư không biết nơi cung cấp thông tin và tư vấn về Bộ luật Lao động và Luật BHXH, Luật BHYT. 73,7% NLĐ di cư không tham gia các hoạt động cộng đồng tại nơi tạm trú và thường cảm giác là mình đứng bên lề cuộc sống địa phương nơi đến. Điều này là một trong những rào cản lớn đối với NLĐ di cư trong tiếp cận ASXH.