Tuyên Quang: Đồng bào vùng cao thoát nghèo nhờ trồng rừng
Công Đa là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhờ trồng rừng nhiều hộ dân trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo. Với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/chu kỳ, trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.
Người dân Công Đa tích cực trồng rừng.
Ông Dương Văn Chinh - Phó Bí thư chi bộ thôn Khuân Bén cho biết, nhiều năm về trước, người dân trong thôn chỉ biết trồng ngô, sắn… hiệu quả kinh tế không cao. Năm 1992, hưởng ứng theo lời vận động và được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kiểm lâm tỉnh, một vài hộ dân trong thôn mạnh dạn chuyển từ trồng sắn sang trồng rừng, chủ yếu là trồng keo. Sau khi thu hoạch thấy trồng keo cho thu nhập cao hơn nên nhiều hộ dân trong thôn học tập và làm theo.
Thôn Khuân Bén hiện có 83 hộ dân, 100% các hộ dân trong thôn trồng rừng, với tổng diện tích 220 ha. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng rừng, nhiều hộ dân trong thôn vươn lên thoát nghèo. Hiện thôn có trên 80% hộ dân có nhà xây kiên cố và khoảng 20 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng nhờ trồng rừng, hộ nghèo trong thôn giảm từ 39 hộ (2016) xuống còn 35 hộ.
Anh Trần Văn Hà, thôn Khuân Bén là một trong những gia đình mới vươn lên thoát nghèo chia sẻ, năm 2008, khi thấy nhiều gia đình trong thôn trồng rừng cho thu nhập cao, gia đình quyết định học tập. Thời điểm đó, gia đình bắt đầu trồng thử 2 ha keo, sau đó mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Đến nay, gia đình có 6 ha rừng keo, chủ yếu là cây keo tai tượng.
Năm 2015, gia đình bán 2 ha keo đầu tiên, thu về 200 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình xây được nhà mới kiên cố và thoát được cái nghèo đeo bám nhiều năm.Không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ dân thôn Khuân Bén vươn lên làm giàu từ trồng rừng.
Là một trong những gia đình làm giàu từ trồng rừng, ông Nguyễn Viết Trọng, thôn Khuân Bén cho hay, mặc dù là cây lâu năm (từ 7 -10 năm mới cho thu hoạch) nhưng so với trồng sắn, trồng ngô, trồng keo mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Theo ông Trọng, gia đình bắt đầu trồng keo từ năm 2000 với tổng diện tích 5 ha. Từ khi khai thác rừng keo lần đầu tiên năm 2010, cuộc sống của gia đình cải thiện nhiều. Đồ dùng trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, xe máy… đều được mua sắm bằng tiền thu hoạch keo của gia đình. Đầu năm 2017, gia đình tiến hành khai thác rừng keo lần thứ hai với diện tích 1,5 ha thu về 190 triệu đồng. Với nguồn vốn này, ông sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nuôi cá, nuôi gà…
Ông Nguyễn Thành Đạo - Bí thư Đảng ủy xã Công Đa cho biết, Công Đa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, với 60% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, dân tộc Tày chiếm khoảng 52%. Mặc dù, sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng đã được triển khai ở Công Đa cách đây hơn 20 năm nhưng vài năm trở lại đây mới thực sự phát triển mạnh.
Hiện, trồng rừng là ngành kinh tế mũi nhọn của Công Đa, 100% số hộ dân trên địa bàn xã trồng rừng với tổng diện tích rừng sản xuất trên 3.000 ha, bao gồm các loại cây như: keo, bồ đề, mỡ. Thu nhập từ trồng rừng giúp các hộ dân ở Công Đa vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống.
Cũng theo ông Đạo, nhờ sự nhất trí, đồng lòng của chính quyền và người dân địa phương nên diện tích trồng rừng hàng năm của xã đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng…