Tín chấp cho doanh nghiệp siêu nhỏ

Duy Khang - Minh Trung (thực hiện) 27/08/2017 07:37

Nếu xác định được dòng tiền chảy vào doanh nghiệp (DN), hay nói cách khác, một khi DN minh bạch được dòng tiền thì câu chuyện ngân hàng cho vay bằng tín chấp chỉ còn là vấn đề thời gian- PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định khi nói về việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng khi các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó.


PGS.TS Nguyễn Thị Mùi

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, việc cho vay có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo lâu nay đã được quy định bằng các văn bản cụ thể. Vì sao trước đây các DN vay được chủ yếu là DN lớn? là bởi họ có một lịch sử hình thành cũng như tạo được uy tín đối với ngân hàng trong việc vay vốn, trả nợ và sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Do đó, các DN trước đây thường dễ được vay tín chấp, tức là vay không có tài sản đảm bảo mà dựa vào uy tín và vị thế của DN. Tuy nhiên, gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu có sự dịch chuyển cho các DNNVV vay dưới dạng tín chấp, còn vấn đề vay có tài sản đảm bảo hay không thì quan trọng nhất vẫn là xác định được dòng tiền. Một khi ngân hàng đã xác định được dòng tiền, không chỉ DNNVV vay được tín chấp mà các DN siêu nhỏ cũng có thể vay tín chấp, lúc đó, DN có tài sản đảm bảo hay không, không có nhiều ý nghĩa nữa.

PV: Vậy, theo bà các DNNVV và các hộ kinh doanh muốn vay tín chấp tại các ngân hàng thương mại sẽ phải lưu ý những vấn đề gì?

-Rõ ràng, vay tiền của các tổ chức tín dụng, vấn đề quan trọng hàng đầu là dự án, phương án sản xuất phải có hiệu quả, một khi xác định được phương án sản xuất có hiệu quả, thì những vấn đề còn lại là xem xét dòng tiền cũng như xem đến hạn có thể trả được gốc và lãi hay không hoàn toàn dễ dàng. Vấn đề ở đây, DNNVV, hộ gia đình hay DN siêu nhỏ làm thế nào minh chứng được lại là cả một quá trình.

Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN để làm sao có thể tận dụng được lợi thế cũng như tính minh bạch trong hoạt động, tránh tình trạng doanh thu của DNNVV vào rất nhiều, nhưng bằng cách này hay cách khác chúng ta không phản ánh hết. DN cần lý giải minh chứng điều này rõ để ngân hàng có thể thấy được dòng tiền vào DN là bình thường. Một khi minh chứng được điều này thì kể cả đối với DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ sẽ không phải lo về chuyện ngân hàng đòi thế chấp.

Theo tôi cái khó khăn của DNNVV hiện nay đó là tài sản đảm bảo quyền vay, nhưng khắc phục được vấn đề dòng tiền vào, DN sẽ tiếp cận được vốn của các ngân hàng thương mại. Khi đó, DN và ngân hàng dần dần có được điểm tiếp cận chung, chứ không phải đi trên hai đường thẳng nữa, và khi cần thiết vốn thì có thể đến ngân hàng và ngân hàng có thể đáp ứng vốn cho DN có điều kiện sản xuất kinh doanh.

Thực tế là tính minh bạch dòng tiền của các DNNVV Việt Nam thường không tốt, việc mở rộng cho vay tín chấp như vậy liệu ngân hàng có quá rủi ro không, thưa bà?

-Một khi cho vay tín chấp ở một chừng mực nhất định thì ngân hàng sẽ phải xem xét một cách thận trọng, đến hạn mà DN không trả được nợ thì tài sản đảm bảo là nguồn thu nợ thứ hai. Khi đã sử dụng đến nguồn thu nợ thứ hai để thu nợ thì quan hệ giữa DN và ngân hàng sẽ “không còn gì”. Đối với các ngân hàng thì đây là những trường hợp chẳng đừng và họ phải xem xét một cách thấu đáo hơn hiệu quả kinh doanh của chính DN đó.

Vậy làm thế nào để xác định được vấn đề này trong khi tính minh bạch của DN còn hạn chế? Tôi cho rằng DN cần phải nhận thức rõ vấn đề minh bạch trong hoạt động, minh bạch trong hoạt động tài chính kế toán. Việc của họ là làm thế nào để ngân hàng nhận thức rõ được vấn đề này và tạo niềm tin giữa hai bên. Khi đã xây dựng niềm tin, uy tín với ngân hàng thì việc cho vay tín chấp sẽ không phải điều gì quá xa vời đối với các DNNVV. Tôi cho là trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng rất cần thiết cho DN vay và DN rất cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhưng chỉ khi DN tạo được lòng tin với ngân hàng thì việc vay tín chấp mới trở thành hiện thực.

Về phía ngân hàng, một khi chấp nhận cho DN vay tín chấp thì họ sẽ phải tăng cường quản lý rủi ro bằng cách theo dõi sát sao hơn hoạt động của DN, khi DN gặp khó khăn thì sẽ có biện pháp cùng tháo gỡ để các dòng tiền đi đúng hướng và đạt hiểu cao, để đến hạn, ngân hàng có thể thu được cả lãi và gốc.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 cố gắng đạt hơn 20%. Theo bà để đạt được mục tiêu này cần có giải pháp gì?

-Theo tôi được biết, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã cao hơn cùng kỳ năm trước với một tỷ lệ rất tích cực. Vấn đề làm sao để từ nay đến cuối năm tăng trưởng GDP đạt trên 7%, cả năm tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,7%. Ở một chừng mực nào đó không phải tăng trưởng chỉ dựa vào vốn nhưng cũng phải khẳng định một điều không có vốn thì không hỗ trợ tăng trưởng được.

Vừa qua, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 21- 22% thay vì mục tiêu 18-19% đặt ra trước đó, tôi cho rằng với mức tăng trưởng như hiện nay thì con số này cũng rất dễ đạt được, bởi vì bản thân ngành ngân hàng cũng rất muốn tăng trưởng, chỉ có điều tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tăng trưởng và chỉ khi có tăng trưởng tín dụng thì ngành ngân hàng mới có điều kiện thu lợi nhuận.

Trân trọng cảm ơn bà!

Duy Khang - Minh Trung (thực hiện)