Điều gì đang diễn ra ở biên giới Mỹ - Canada?
Có một thực trạng khá kỳ lạ đang diễn ra ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Canada, đó là dòng người trái phép cố tình vượt biên chỉ để bị lực lượng chức năng bắt giữ. Thực tế ấy đã khiến chính quyền Canada phải thiết lập nhiều trung tâm tạm giữ để xử lý vô số trường hợp tương tự mỗi ngày.
Những người xin tị nạn từ Mỹ tìm đến một điểm chốt dọc biên giới với Canada. (Nguồn: Reuters).
Đến... để bị bắt
Jean-Enice Frederic là một trong số những người chờ để bị bắt ở biên giới Mỹ-Canada. “Tôi có rất nhiều thành viên trong gia đình sống ở Haiti và tôi muốn mang họ tới nước Mỹ, nhưng tôi không có quyền công dân. tôi nghĩ về họ mỗi ngày, vợ và con tôi”- Frederic nói.
Tại một con đường cụt có tên gọi Roxham, Frederic cố băng qua một lỗi nhỏ chia tách giữa Mỹ và Canada. Các sỹ quan cảnh sát Canada đứng chờ một cách kiên nhẫn ở phía bên kia biên giới, cảnh báo bất cứ ai băng qua lằn ranh sẽ bị bắt giữ vì hành động bất hợp pháp.
Nhưng đó chỉ là màn khởi đầu. Một khi bị bắt giữ, Frederic, cũng như hàng nghìn người khác có hành trình tới Quebec như anh trong vài tuần gần đây, có thể nộp đơn xin tị nạn ở Canada. Frederic hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội đoàn tụ gia đình sau 17 năm chia cách, và sau đó, anh hy vọng rằng gia đình mình có thể xin vào diện tị nạn để sớm trở thành công dân Canada.
Trong tháng 8 này, Greyhound cùng nhiều tuyến xe buýt khác đã chật cứng người nhập cư - chủ yếu là người Haiti - di chuyển từ Mỹ tới Canada. Họ sử dụng cả tàu hỏa, xe buýt hoặc cả hai để đến Plattsburgh, thành phố New York. Từ đó, họ bắt taxi tới biên giới. Trong hôm mà Frederic thực hiện hành trình của mình, anh chỉ là một trong số 300 người khác có hy vọng giống mình.
Được biết người dân Haiti đã bắt đầu đổ tới Mỹ sau một đợt bùng phát dịch tả năm 2010, và sau một trận động đất kinh hoàng xảy ra cùng năm đó. Frederic, giống như khoảng 59.000 công dân Haiti trên đất Mỹ, thuộc “Diện bảo vệ tạm thời” (TPS) được trao cho công dân Haiti sau thảm họa động đất.
Nhưng tình trạng người nhập cư rời bỏ nước Mỹ trong vòng 2 tháng qua đã gia tăng, cùng lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thêm TPS nữa - dự kiến hết hạn vào tháng 1-2018. Frederic lo ngại rằng anh sẽ bị trục xuất khỏi nước Mỹ.
“Tôi sợ hãi bởi mỗi ngày lại nghe một thông tin khác nhau” - Frederic nói. “Đó là lý do tôi rời khỏi Mỹ để đến Canada”.
Vật lộn với khủng hoảng
Chính do thực trạng này mà chính quyền Canada mới đây đã phải vật lộn để kiểm soát đợt bùng nổ người xin tị nạn “chưa từng có tiền lệ” đổ tới vùng biên giới gần Quebec. Trong vài tháng qua, họ phải tiếp nhận quá nhiều người đến nỗi cảnh sát nước này phải dựng các khu lều tạm để xử lý tiếp nhận. Theo lực lượng cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), họ đã phải thiết lập một nút thắt cổ chai ở biên giới để xử lý khoảng 1.000 người đang chờ đợi.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến số lượng lớn như thế này” - bà Claude Castonguay, người phát ngôn RCMP, nói. “Dù các sỹ quan của chúng tôi tuần tra 24/24 mỗi ngày trong suốt năm, chúng tôi cũng chưa từng thấy số lượng người đổ tới lớn như vậy”.
RCMP cho hay họ đã chặn khoảng 7.000 người xin tị nạn chỉ trong vòng 6 tuần qua chỉ tính riêng tại Quebec. 3.000 trong số này đến vào tháng 7 và gần 4.000 người đến chỉ trong nửa đầu tháng 8.
Tương lai không bảo đảm
Phần lớn những người tìm đến khu vực biên giới Mỹ-Canada đều tỏ rõ sự lo ngại về quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump về người nhập cư. Họ cũng chỉ ra sự phân biệt đối xử ở nước Mỹ như một động cơ để họ gói ghém đồ đạc và chuyển tới Canada.
Mimose Joseph cùng cô con gái 13 tuổi của bà, Melissa Paul, cũng là những người di chuyển tới biên giới Canada vì những mối quan ngại đó. Bà đã di chuyển bằng tàu và xe buýt từ nhà của mình ở Belle Glade, bang Florida - nơi mà bà sinh sống từ năm 2002 - để đến biên giới Canada.
Bà Joseph không biết tiếng Anh nhưng con gái bà, Melissa, sinh ra ở Florida và là một công dân Mỹ. Nhưng do chịu nhiều sức ép khi ở nước Mỹ, cả hai đã quyết định chuyển tới Canada. “Nó đã trải qua nhiều chuyện và không muốn chịu thêm bất kỳ sức ép nào nữa”- bà Joseph nói.
Theo Praida, một cơ quan chính quyền thuộc Cơ quan Di trú Quebec, cho hay mỗi ngày có tới hàng trăm người tìm cách băng qua biên giới nước họ. Trong khi giới chức Bộ Di trú Canada cho hay mỗi ngày có khoảng 250 người di cư trái phép đến nước họ.
Giám đốc của Praida, bà Francine Dupuis, cho hay chính phủ Canada cũng đã cung cấp một dạng TPS cho người Haiti, khiến việc xin tị nạn trở nên khó khăn hơn nhằm ngăn chặn dòng người băng qua biên giới. Bà cho hay chỉ bởi họ là người tị nạn nghèo khó, hoặc đến từ các nước nghèo, không có nghĩa sẽ chắc chắn nhận được diện tị nạn ở Canada.
“Đó không hẳn là một cánh cửa mở” - bà Dupuis nói. “Điều này thật buồn bởi chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong số họ tin rằng họ đến đây là để được ở lại, điều không phải lúc nào cũng đúng”.
Sân vận động hóa trại tị nạn
Hiện nay có rất nhiều người tìm kiếm diện tị nạn xem Canada như một miền đất hứa để xây dựng lại cuộc sống, bởi vậy mà khiến các khu trại tạm tiếp nhận của nước này bị quá tải trầm trọng. Theo bà Dupuis, hiện có khoảng 3.200 người xin tị nạn đang lưu lại thành phố Montreal. Số lượng tiếp nhận càng ngày càng tăng khiến chính quyền phải lấy sân vận động Olympic Montreal thành một khu trại tạm để tiếp nhận khoảng 700 người.
Đa số những người đến Canada xin tị nạn là công dân Haiti, ngoài ra còn có công dân Syria và Yemen, những người chạy trốn khỏi chiến sự ở đất nước của họ.
“Thứ mà họ muốn là một cuộc sống bình thường, họ muốn học tập, làm việc và cùng gia đình sống ổn định, điều mà dường như họ không thể có được khi ở nước Mỹ”- bà Dupuis nói.
Nidal al-Yamani, 26 tuổi, công dân Yemen từng sinh sống ở bang Alabama, Mỹ để chờ thị thực sinh viên, cũng quyết định vượt biên để tới Canada vào ngày 4-7 vừa qua. Yemen là 1 trong số 6 quốc gia Hồi giáo lớn nằm trong lệnh cấm nhập cảnh mà chính quyền Tổng thống Trump ban hành. “Sau lệnh cấm đó, ai cũng biết về Yemen, nhưng chỉ toàn điều xấu về Yemen”, al-Yamani nói.
Sinh viên này cho hay anh không còn cảm thấy thoải mái khi ở nước Mỹ và từng chứng kiến một số vụ việc phân biệt chủng tộc. Kể từ sau khi rời khỏi khu trại tạm ở Montreal và có chỗ sống ổn định, al-Yamani có cơ hội lớn hơn những người xin tị nạn Haiti, anh cũng nói rằng bản thân cảm thấy được chấp nhận hơn ở Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng chính phủ của ông hiện đang chuẩn bị để tiếp nhận thêm nhiều người khác như al-Yamani. Hôm thứ Tư trong tuần, ông đã có cuộc họp với các quan chức liên bang và địa phương để bàn về việc kiểm soát làn sóng người xin tị nạn tới nước này.
Bên cạnh Haiti thì người dân đến từ 9 quốc gia khác cũng đang bắt đầu hành trình của họ từ nước Mỹ tới Canada, khi mà diện TPS của họ đang dần hết hạn. Trong số này, công dân Honduras, Syria và Yemen góp phần lớn. Hiện chưa rõ liệu Mỹ có gia hạn thêm TPS đối với công dân các nước khác hay không.
Thủ tướng Trudeau nói rằng người nhập cư là một điều tích cực đối với Canada: “Dang rộng vòng tay và cởi mở chính là một nguồn sức mạnh”; ông nói. Nhưng ông cũng từng nhấn mạnh rằng không ai được phép đi vào Canada một cách tự do, đặc biệt là thông qua những tuyến đường mòn bất hợp pháp.