Trên kệ sách tuần này (27/8)
Đêm nay con có mơ không?/ Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki/ Hành trình xa xứ
Đêm nay con có mơ không?
Đây là cuốn tạp văn vừa ra mắt bạn đọc của nhà thơ- nhà báo Trương Gia Hòa. Hơn 200 trang sách, tác giả không “đao to búa lớn” để làm nên sự vĩ đại, từng mẩu chuyện nhỏ mang đến cho bạn đọc đôi khi chỉ là những ghi chép tỉ mẩn của một bà mẹ công chức “bỉm sữa” yêu con, vừa đi làm, vừa vén khéo chuyện nhà; là nỗi nhớ nhung xa xôi của một người luôn hướng về gia đình lớn, cội rễ để mình đâm chồi, nảy lộc; là những băn khoăn của một thị dân trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại... Cái cách chị chọn đại từ trong “Đêm nay con có mơ không?” (First News & NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành) là “bạn”. Có thể hiểu chị đang thủ thỉ tâm tình với một người bạn thân, hay độc thoại, và đó cũng chính là bạn đọc.
Hiện thực cuộc sống, dù có là đáng chán, Gia Hòa cũng tìm một góc nhìn khác, để thấy rằng những giá trị nền tảng trong văn hóa, đời sống, ứng xử... của người Việt chưa hoàn toàn mất đi, nếu chúng ta biết gìn giữ, dung hòa. Bởi chị quan niệm: “Khi mặt đất vẫn lắm chông gai thì chúng ta vẫn còn một bầu trời lấp lánh...”
Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki
Cuốn sách do NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn ấn hành, không quá dày nhưng đã tập hợp được những tác phẩm được coi là đặc sắc nhất của nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Tanizaki Junichirō (1886 - 1965): Xâm mình, Kỳ lân, Vương quốc nhỏ, Trăng Tây Hồ, Bí mật, Bàn chân Fumiko, Sắn dây núi Yoshino, Người cắt lau, Con mèo...
GS Nguyễn Nam Trân- nhà nghiên cứu về văn học Nhật Bản, đồng thời là người chủ biên cuốn sách cho biết, trong tập truyện này ta lại gặp cái đặc sắc của Tanizaki - cốt truyện hấp dẫn, cái đẹp kì lạ, trái chiều mà đầy mị hoặc. Mô típ người phụ nữ được sùng bái nhưng vô tình và tàn ngược đối với kẻ yêu mình trong “Chữ Vạn” nay lại có trong “Xâm mình” và “Người cắt lau” nhưng với những câu chuyện mang màu sắc hoàn toàn khác biệt. “Sắn dây núi Yoshino” và “Mộng phù kiều” thì lại phảng phất phức cảm ái mẫu...
Từng truyện là một mảnh vá nhỏ sặc sỡ với những họa tiết riêng biệt, hợp lại thành một tấm thổ cẩm (patchwork) muôn màu. Trên tấm vải đó, Tanizaki đã dệt nên miền sâu thẳm phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở, họa lại một thế giới đảo điên với những ám ảnh dục vọng cuồng si.
Hành trình xa xứ
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Hữu Thái Hòa có tên đầy đủ là“Hành trình xa xứ - Giấc mơ quốc gia khởi nghiệp”. Cuốn sách đã được Công ty First News - Trí Việt ấn hành, vừa có buổi ra mắt tại Hà Nội là câu chuyện về con đường khởi nghiệp của Nguyễn Hữu Thái Hòa - một cái tên quen thuộc cả ở lĩnh vực kinh doanh, công nghệ lẫn văn nghệ.
Trở về sau hơn 17 năm học tập và làm việc tại các quốc gia tiên tiến như Canada, Pháp… khái niệm “khởi nghiệp” của Nguyễn Hữu Thái Hòa không gói gọn trong việc tự doanh mà còn bao hàm cả việc lập thân, gây dựng nhân hiệu…
Đó chính là lý do, quyển tự truyện này không chỉ có giá trị với giới start-up mà còn có thể trở thành chiếc la bàn định hướng cho giới trẻ.
Bằng cách kể lại con đường lập thân của mình, cả với những đắng cay, ngọt bùi, qua gần 300 trang sách, Nguyễn Hữu Thái Hòa giúp người đọc hình dung được những khó khăn phải đối diện trên con đường lập thân. Những phân tích xác đáng của một ngòi bút sắc sảo giúp người đọc nhận ra quy luật vận động cũng như những dự báo về kinh tế khu vực trong tương lai.