Kỳ thú Búng Bình Thiên
Cùng với rừng tràm Trà Sư, Tri Tôn, cánh đồng Tà Pạ, núi Sam..., Búng Bình Thiên đang là điểm đến hút du khách bậc nhất của An Giang vào mùa nước nổi.
Người Chăm ở Búng Bình Thiên.
Là đầu nguồn của con sông Mekong khi chảy vào đất Việt, An Giang cũng là nơi cảm nhận rõ nét nhất vẻ đẹp của mùa nước nổi. Nếu muốn cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của cảnh quan vùng sông nước cùng với văn hóa độc đáo của người dân bản địa thì hãy lựa chọn Búng Bình Thiên. Từ thành phố Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên đi chừng hơn 30km là sẽ tới Búng Bình Thiên thuộc địa phận huyện An Phú. Theo tương truyền, vào cuối thế kỷ 18, một viên tướng nhà Tây Sơn đã chọn Búng Bình Thiên làm căn cứ để tích trữ lương thực, luyện tập binh sĩ. Thời điểm đó, khu vực này khô cằn, viên tướng đó đã làm lễ tế cáo Trời - Đất xin ban nguồn nước cho binh sĩ. Sau khi khấn xong, ông đã rút kiếm đâm xuống lòng đất và một dòng nước ngọt trong vắt trào dâng đọng lại thành hồ như ngày nay. Đây cũng là sự lý giải cho cái tên Búng Bình Thiên.
Bởi thế, Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là “hồ nước trời”, nước trong hồ trong xanh phẳng lặng như mặt gương, xung quanh là những rừng cây xanh mát càng tạo cho không gian nơi đây thêm thoáng đãng, mát mẻ. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, hồ nước trong vắt, chỉ dâng lên và hạ xuống chứ không chảy. Miệng búng thông với nhánh sông Bình Di. Nhưng dòng nước đỏ ngầu phù sa chỉ cần chạm đến miệng hồ kỳ lạ này thì trở thành chiếc gương xanh biếc và trong lành. Hồ nước ngọt cứ mênh mông xanh ngắt, khác xa nước màu đục của những kênh, rạch, sông, hồ quanh vùng, ngay cả vào mùa lũ khi dòng nước đục ngầu phù sa tràn vào. Điều này làm cho búng Bình Thiên trở thành một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên thế giới.
Lẩu cá linh điên điển.
Theo các nhà khoa học thì do địa hình của Búng Bình Thiên có những mạch nước ngầm ăn thông với nhánh sông Mê Kông bên ngoài nên mặt nước bên trong có thể dâng cao hay hạ thấp tùy theo mực thủy triều. Một điều kỳ diệu nữa là bên trong búng có chứa một loại tảo có khả năng lọc sạch những chất bẩn, những hạt phù sa lơ lửng trong nước nên quanh năm nguồn nước ngọt trong búng lúc nào cũng trong xanh, một màu xanh trong lành, tinh khiết thể hiện sức sống vô tận, bốn mùa phẳng lặng không hề gợn sóng, và ẩn chứa vô số loài cá, tôm để nuôi sống cư dân. Có lẽ đó cũng là sự ban phát đầy ưu ái nhưng cũng rất công bằng của tạo hóa, như để bù đắp cho những cư dân hiền hòa, mộc mạc sinh sống quanh búng được dễ chịu hơn trước khi mọi người khám phá ra sức quyến rũ của nó.
Búng Bình Thiên cung cấp nước cho toàn khu vực và đặc biệt không bao giờ cạn kể cả đang mùa hạn hán khắp nơi khô cằn. Đồng thời, Búng cũng là nơi quy tụ rất nhiều loại cá tôm sinh sống, nhiều loại thực vật thủy sinh như sen, súng, tảo...Hàng trăm năm trước, khi vùng đất Nam Bộ khắp nơi còn chằng chịt kênh rạch, thì những người Chăm đầu tiên đã di cư về đất này lập nghiệp, kiến tạo lên những ngôi làng Chăm trù phú bao quanh hồ Búng Bình Thiên ngày nay. Hiện đây là nơi tập trung sinh sống của đồng bào 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, trong đó, cộng đồng người Chăm có nhiều nét riêng và độc đáo với nếp sống văn hóa riêng.
Nhà người Chăm được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn, trước nhà là cầu thang gỗ, cao hơn mặt đất đến 2-3m để tránh lũ và tạo không khí mát mẻ. Bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, khi tiếp khách thì sẽ trải chiếu hoặc thảm và ngồi xếp bằng lên trên. Người Chăm ở An Giang nói chung và Búng Bình Thiên nói riêng phần lớn theo đạo Hồi, còn gọi là Chăm Islam. Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, cùng với các dân tộc anh em khác, người Chăm vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của mình, từ kiến trúc, họa tiết điêu khắc của ngôi nhà, đến trang phục sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.
Đến thăm làng người Chăm ở Búng Bình Thiên, sẽ được tìm hiểu tập quán và thăm quan thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah rộng lớn, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, đời sống tâm linh cộng đồng Chăm nơi đây. Hằng ngày cứ trước giờ lễ, tất cả đàn ông ra trước bến nước thiêng rửa mặt, rửa tay, chỉnh lại trang phục rồi mới được bước vào thánh đường. Từ khi còn bé, những người phụ nữ Chăm đã được học cách quấn khăn chùm đầu, việc có ý nghĩa quan trọng cho sự kín đáo thanh cao của người Chăm Islam. Đàn ông Chăm, trang phục thường là xà-rông kẻ sọc đi kèm với áo sơ mi, đầu đội mũ trắng nếu đã lớn tuổi, còn với lũ trẻ nhỏ thì đội mũ màu đen để phân biệt.
Dọc làng Chăm có gần chục quán “cóc sàn” (quán như nhà sàn người Chăm thu nhỏ) khá độc đáo. Chủ quán là những người nông dân, mùa lúa đi làm đồng, mùa nước nổi dọn hàng ra bán với những món ăn mộc mạc, “siêu” rẻ nhưng rất ngon như: bún nước lèo cá lóc, bánh khọt, bánh xèo “nhụy” bông điên điển... Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu du khách có thể tham gia tour du lịch homestay tại đây để tìm hiểu phong cách sống của người Chăm theo đạo Hồi, thưởng thức một số món ăn dân dã của đồng bào Chăm như: lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển, chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non...
Đến Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), du khách sẽ có dịp đi thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều nét chấm phá sinh động; tham dự một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm tại đây như: biểu diễn đua xuồng, biểu diễn trang phục truyền thống, thi bơi... và một số lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm như: lễ Tết Roya Phik Trok; lễ lớn Ramadan…lắng nghe những câu hò, điệu lý, những bài đờn ca tài tử, những câu hát giao duyên đằm thắm, trữ tình, xen lẫn vào đó là tiếng rao bán hàng của các mẹ, các chị thánh thót trên một khúc sông...