Ba năm ra Bắc vào Nam kiếm con của cặp vợ chồng hiếm muộn
Một lần, khi chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm thì bố qua đời, chị Huyền (Thanh Hóa) nén đau thương tiếp tục hành trình, nhưng rồi con cũng không tới.
Anh Hòa và chị Huyền đã yêu nhau hai năm trước khi kết hôn. Anh Hòa thích ở vợ những điểm thông minh, quyết đoán và tốt tính.
Kết hôn rồi sinh con là lẽ tự nhiên. Một số người dễ toàn vẹn hai điều ấy. Nhưng với một số khác, hành trình kiếm con như đường hầm vô định, không có ánh sáng. Vợ chồng chị Huyền (27 tuổi) và anh Hòa (35 tuổi) cũng trải qua giai đoạn ấy khi không tìm được lý do sao mãi chẳng đậu thai. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị có nội tiết tốt, hai vòi trứng đều thông, anh thì tinh trùng khỏe.
Lần khám đó là năm 2013 - sau một năm kết hôn. Vợ chồng động viên nhau thoải mái tư tưởng. Chị Huyền dành nhiều thời gian vào salon tóc của mình. Anh Hòa chuyên tâm với công việc kỹ sư xây dựng. Trong mắt mọi người, họ là đôi vợ chồng son tíu tít.
"Thỉnh thoảng những câu: 'Không đẻ đi à', 'Sao mãi mà không đẻ thế', 'Không biết đẻ rồi' lại khiến vợ chồng tôi chạnh lòng. Nhất là vợ, chữa trị tốn kém, mệt mỏi, lại vì những lời như vậy mà áp lực", anh Hòa chia sẻ.
Vì thế, anh luôn nói với vợ không quan trọng con trai, con gái, hoặc ngay cả khi không sinh được con, anh chị cũng có thể xin một bé về nuôi cũng là làm phúc.
Chị Huyền thì sốt ruột vì chồng tuổi đã lớn. Năm 2014, chị xin làm IUI - bơm tinh trùng vào tử cung. Cả hai lần trứng tốt, niêm mạc đẹp nhưng vẫn không đậu.
Sang năm 2015, anh chị gác lại mọi công việc, gom góp tiền bạc vào Sài Gòn kiếm con. Họ thuê một căn phòng nhỏ cạnh bệnh viện, ở trong suốt nửa năm. Hoang mang là kết quả khám rất bình thường nhưng làm thêm 2 lần IUI nữa đều không được.
Chán nản, anh chị quyến định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Những tưởng vợ chồng bình thường, kết quả sẽ tốt, chẳng ngờ họ chỉ tạo được 5 phôi với hai phôi loại hai, ba phôi loại ba. Không có phôi tốt.
Hôm chị Huyền vừa chọc hút trứng xong thì nghe tin bố nhập viện. Gọi về cho gia đình, mọi người vẫn nói bố bình thường và động viên anh chị yên tâm chữa bệnh.
"Tôi gọi cho bố, bố vẫn nói không sao, chỉ khó thở thôi và động viên tôi cố làm xong rồi về. Lúc đó tôi bảo 'Bố chịu khó chữa bệnh, hai ba hôm nữa con về'. Nhưng không ngờ, bố nghe điện thoại xong thì không qua được nữa", Huyền hồi tưởng, nỗi đau này lại một lần bóp nghẹt tim chị.
Cả gia đình khuyên can chị không được về bởi công sức nửa năm qua đã bỏ ra quá nhiều, giờ đến bước cuối lại bỏ. Các bác sĩ cũng tư vấn nếu về thì chỉ còn phôi loại hai, vì loại ba không trữ được. Chị đành ở lại tiếp tục, song vì tinh thần xấu mà niêm mạc lúc này còn 8mm, khả năng đậu thai chỉ 10-20%.
Gạt đi nước mắt, chị kể: "Tôi chuyển phôi xong, cố gắng kiêng thêm vài ngày mới về, mong cho mọi thứ may mắn, mong bố thương phù hộ cho cái 10-20% kia. Nhưng rồi vẫn cứ thất bại".
Anh Hòa kể thêm, sau cuộc điện thoại thì bố vợ mất. Vợ anh òa khóc, liên tục đòi về. Anh đặt luôn vé máy bay về sớm nhất có thể.
"Tôi động viên vợ và để cho cô ấy lựa chọn. Nếu ở lại chuyển phôi thì phải giữ được bình tĩnh, kìm nén đau thương, mới mong thành công. Nhưng tôi biết dù có kìm nén cảm xúc bao nhiêu chăng nữa thì trong lòng vẫn động", anh bộc bạch.
Bố mẹ chị Huyền ly hôn khi chị mới một tuổi. Chị sống với ông bà nội. Bố cũng vì thế mà rất thương yêu chị.
Một tháng sau thất bại lần một, họ lại khăn gói vào Sài Gòn làm tiếp lần hai. Ngày thứ 14 chuyển phôi, anh chị đã ôm nhau òa khóc nức nở khi được thông báo đã đậu thai.
Những tưởng mọi công lao được đền đáp, nhưng được vài ngày sau, chị bị băng huyết. Anh Hòa vội vàng đưa vợ lên viện thì siêu âm vẫn thấy túi thai. Cả đêm đó hai vợ chồng ôm nhau khóc. Sáng hôm sau thì mất túi thai. Chị bị sảy thai sớm.
Giây phút đó hai vợ chồng lặng lẽ nhìn nhau. Bao nhiêu lời muốn nói nhưng không ai nói được gì. Buồn nữa là sau thủ thuật hút bỏ thai thì chị bị tổn thương niêm mạc, một khi không phục hồi sẽ khó mang bầu, dù có làm IVF cũng dễ sảy thai.
Bố mất, con mất, nợ nần, sức khỏe đi xuống. Mọi thứ tồi tệ cùng lúc ập đến. Chị Huyền muốn buông xuôi.
Anh Hòa kể, thời gian đó vợ anh liên tục đòi ly hôn. Anh nghe nhiều mới nghĩ nếu không có giấy đăng ký kết hôn sẽ không ly hôn được, vì thế đã vứt luôn giấy kết hôn. Anh cũng bộc lộ tình yêu và sự quan tâm nhiều hơn đến vợ, như đi làm về, làm việc nhà, đưa chị đi cà phê, hay dẫn đi mua sắm.
Từng bước, từng bước, anh xoa dịu đau thương trong lòng chị. Một lần nữa nhen nhóm hy vọng tìm con. Từ cuối năm 2016, chị Huyền thường xuyên đến viện soi niêm mạc. Tháng 7/2016, hai vợ chồng ra Hà Nội khám, sức khỏe của chị đã tốt lên. Ba tháng sau, họ khăn gói vào Sài Gòn tiếp tục chiến đấu.
Lần này đã có kiến thức, ăn uống, nghỉ dưỡng hợp lý nên kết quả chọc phôi khá khả quan. Chị đậu thai đôi. Ba tháng đầu, mỗi ngày chị phải gồng mình tiêm thuốc giữ thai. Sau đó, quá trình mang thai đi vào ổn định. Ngày 8/10 vừa qua, khi tròn 38 tuần, chị Huyền hạ sinh hai "gà con", mỗi nhóc nặng 2,5 kg.
Ông bố 35 tuổi thấy mình "thay da đổi thịt" từ ngày có con.
Nhà neo người, sinh con xong hai vợ chồng phải tự lo liệu hết. Ban ngày chồng đi làm, mình chị quay cuồng với hai con. Bộ đôi "ngoan cùng ngoan, quấy cùng quấy", nên có lúc khiến chị thấy áp lực. Nhưng dù vậy, nếm bao giọt đắng, giờ mới có được giọt bùi, nên chẳng có gì làm khó được chị nữa. "Vất vả nhân hai thì niềm vui cũng được nhân hai", chị nói.
Vợ mang bầu, sinh con, anh Hòa cũng thấy mình như được "tái sinh". Nếu như trước đây, ăn cơm, tắm rửa, ngủ nghỉ đều khiến vợ phải giục, thì nay anh có động lực, đi làm về không ngó đông ngó tây mà phi thẳng về nhà, chui vào wc rửa ráy rồi ra bế con.
"Ngày thường anh ấy ngủ nứt mắt, sét đánh ngang tai cũng không tỉnh mà giờ con cựa một phát là như lò xo bật dậy ôm con", chị Huyền hạnh phúc kể.
Mấy hôm trước, nhìn chồng ôm con trong vòng tay, lòng chị bình yên thấy lạ. Đột nhiên nhớ ra chưa khai sinh cho con, chị bảo: "Anh giấu giấy đăng ký kết hôn đâu rồi, mang ra đi khai sinh cho con đi". Ông bố cọ nhẹ bộ râu lún phún lên làn da mềm mại của con, giọng tỉnh bơ. "Anh vứt từ hồi đó rồi".
Đến giờ phút này, chị mới thực sự tin, anh đã ném giấy đăng ký kết hôn, để chị không đòi ly hôn được nữa.