Ghi ở một xã biên giới
Mường Lèo là xã biên giới nghèo thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Tuy nhiên với cách nghĩ cách làm mới, Mường Lèo đang có những bài học quý để nhiều nơi học tập, noi theo.
Người dân Mường Lèo nạo vét kênh, mương phục vụ sản xuất lúa nước 2 vụ/năm.
Ở Mường Lèo, làm lúa nương từng được người dân cho là tốt nhất với năng suất cao lắm chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha/năm. Vùng đất này nằm trên đỉnh núi cao, nên ngoài trông nhờ vào cây lúa nương dù cho năng suất thấp, người dân ở đây hầu như không còn dựa vào loại cây lương thực nào phù hợp điều kiện đất đai và khí hậu ở đây.
Vào mùa mưa, từ Mường Lèo đi tới trung tâm huyện Sốp Cộp đến xe tải cỡ lớn cũng không qua được nên lương thực của những hộ dư thừa cũng rất khó bán, hoặc nếu bán thì giá cũng rất rẻ...
Vật tư phân bón lên xã, lên bản vì thế cũng đều bị đội giá, thậm chí gấp nhiều lần so với giá bán tại trung tâm huyện lỵ. Giá thu mua nông sản phẩm trên địa bàn cũng vì thế thấp hơn rất nhiều so với giá thu mua nông sản tại trung tâm huyện lỵ Sốp Cộp.
Chủ cửa hàng, kiêm thợ sửa xe máy Mùa A Dua ở bản Huổi Luông, xã Mường Lèo tâm sự: “Người dân ở đây thường phải mua chịu, mua nợ mọi thứ từ xăng dầu đến kẹo bánh, thực phẩm, cuối vụ họ bán lúa mới trừ được nợ. Trả xong họ lại mua chịu. Cứ như vậy, đói nghèo luẩn quẩn bám riết người dân quê tôi”.
Xã Mường Lèo cách trung tâm huyện Sốp Cộp 53 km, cách thành phố Sơn La 183 km. Địa hình đồi núi dốc, khe suối dầy đặc. Tổng diện tích tự nhiên là 38.000 ha; trong đó đất nông nghiệp 50 ha; đất lâm nghiệp gần 15.000 ha. Mỗi năm có 4 tháng mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9.
Theo kết quả điều tra dân số, năm 1999 xã Mường Lèo chỉ có hơn 1800 khẩu. Nhưng đầu những năm 2000 trở lại đây, đồng bào Mông di cư tự do đến đây, nâng lên gần 560 hộ, trên 3.200 nhân khẩu, trong đó nửa số hộ thuộc diện nghèo, hàng năm vẫn trông chờ vào nguồn gạo trợ cấp của Chính phủ. Năm 2015, xã được cấp hơn 16 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 228 hộ nghèo.
Trước tình hình này, cấp ủy, chính quyền ở đây nhận định: Phải bằng mọi cách tăng diện tích lúa nước chuyển từ 1 vụ thành 2 vụ/năm và coi đó là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, toàn xã hiện có khoảng 50ha diện tích trồng lúa nước, trong đó 1/3 diện tích do làm được thủy lợi nên đã cấy được 2 vụ lúa. Nhờ vậy, những gia đình như hộ nhà chị Lò Thị Phương có khoảng 1 nghìn mét vuông ruộng, 2 năm nay, do chuyển từ cấy 1 vụ sang cấy 2 vụ, mỗi năm chị thu khoảng 1 tấn thóc, bước đầu tạm đủ ăn cho gia đình.
Cây ý dĩ (hạt bo bo) cũng bắt đầu được đưa về đây trồng từ năm ngoái với diện tích đang tăng khá nhanh. Với giá bán và năng suất cao gấp đôi lúa nương, đây sẽ là cơ hội để góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, thông tin về thị trường đầu ra của loại cây này chưa rõ ràng, nên người dân vẫn cần thận trọng khi mở rộng diện tích.
Tỉnh đang có hướng tập trung làm thay đổi nhận thức, cơ cấu lại cách phát triển kinh tế, trong đó chú trọng gắn bảo vệ và phát triển rừng với tạo sinh kế cho người dân, giảm dần sản xuất lương thực đi liền với giảm đốt rừng làm nương.
Để làm được điều này, trước mắt, tỉnh Sơn La chỉ đạo ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, điện mà quan trọng nhất là phải thay đổi điều kiện sản xuất, tập trung cho chuyển đổi sản xuất.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 17 xã biên giới, hầu hết đều là những xã thuộc diện khó khăn. Mặc dù những năm gần đây, Nhà nước đã chi đầu tư ngân sách rất lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia vào các xã này nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế xã hội, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo thực tế ở đây hiện vẫn còn rất cao. Trước thực trạng này, cách nghĩ cách làm của người dân xã Mường Lèo đang là bài học quý giá để nhiều nơi học tập, noi theo.