Tranh thật, tranh giả dưới góc nhìn của họa sĩ trẻ
Tranh thật - tranh giả đang là vấn đề được quan tâm. Trong khuôn khổ Triển lãm nghệ thuật Mascara (Chuốt mi) vừa khai mạc tại tầng 3, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), một số họa sĩ trẻ đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.
Công chúng đến xem Triển lãm nghệ thuật Mascara.
Theo họa sĩ Vũ Đình Tuấn, việc tranh giả - tranh thật xuất hiện ở Việt Nam khoảng thời gian gần đây như một điều đương nhiên, chẳng qua là vào thời điểm này thì nó dồn dập hơn mà thôi.
“Ở các nước trên thế giới không phải là không có chuyện đó, thậm chí ở những nước rất văn minh cũng có, chỉ là tinh vi quá nên chưa thể phát hiện ra được. Như bức Leonardo da Vinci sau bao nhiêu thời gian mua đi bán lại người ta cũng phát hiện ra là có những bức tranh giả mà lại được vẽ như thật”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh: “Cái gì cũng có những giá trị nghệ thuật của nó, thời điểm mà nó bộc lộ ra cái dở cũng là thời điểm thị trường tranh phát triển mạnh mẽ nhất. Nhưng theo cá nhân tôi nghĩ, tất cả những cái giả, cái không thật thì trước sau gì thì cũng sẽ bị bại lộ và sẽ không thể tiếp tục phát triển được nữa”.
Liên quan đến việc xuất hiện tranh làm giả ngày càng tinh vi có ảnh hưởng như thế nào tới các họa sĩ, họa sĩ Trịnh Minh Tiến cho rằng: Có những bức xúc nhất định, câu chuyện này nó là một nỗi đau, rất nhiều nghệ sĩ và tinh hoa của nghệ thuật Việt Nam đang bị làm giả một cách trắng trợn, đây cũng chính là nỗi đau của những người làm nghệ thuật.
Có nhiều người còn so sánh rằng, hành động này như việc động đến bàn thờ tổ tiên của họ nữa. Người tổn thương nhất cũng chính là người nghệ sĩ, công sức của mình đưa ra ngoài đã bị đánh cắp không thương tiếc. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang sa chân vào hiện tượng này đều phải dừng lại và phải biết rõ tác hại của việc mình đang làm.
Trước vấn nạn tranh giả đang hoành hành, nhưng hình như các họa sĩ lại không mấy mặn mà với việc tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua luật pháp?
Trả lời thắc mắc này của báo chí, họa sĩ Vũ Đình Tuấn thừa nhận: Họa sĩ có thể kêu rất to, rất lớn khi phát hiện tranh của mình bị làm giả nhưng mà để giải quyết đều phải động đến những cơ sở pháp lý nhất định về việc khởi kiện như thế nào, thủ tục ra làm sao thì đây cũng là một câu hỏi cần phải trả lời.
Nghệ thuật rất mong manh, đôi khi chỉ thay đổi một vài chi tiết nó cũng khác đi rồi. Tính chất của việc kiện tụng cũng mang tính rủi ro rất cao, bản thân người nghệ sĩ lại rất dễ bị tổn thương và ngại động chạm, đó cũng là một khó khăn.
Rất nhiều người nói rằng “tôi bị hại và tôi bị chép tranh” nhưng việc họ khởi kiện hay không lại là quyền của họ, chứ mình không thể can thiệp vào được. Có hay chăng sự giúp đỡ cũng chỉ là cộng đồng nghệ sĩ cùng lên tiếng để nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhau thôi.
Trước ý kiến cho rằng, cách tốt nhất để các họa sĩ bảo vệ tác phẩm của mình đăng ký bản quyền tác phẩm, họa sĩ Vũ Đình Tuấn chia sẻ: Chuyện bản quyền chúng ta đã ký công ước Berne từ rất lâu rồi. Nhưng việc đăng ký bản quyền phải do chính bản thân các nghệ sĩ mong muốn.
Cá nhân tôi chưa đăng ký bản quyền tác phẩm nào của tôi cả, tôi chỉ có một niềm tin đó là của tôi thôi, tôi tự tin vào điều đó. Tôi nghĩ đã là tranh giả thì trước sau cũng sẽ bị phát hiện ra thôi, còn giá trị thật thì nó tồn tại mãi.
Hơn nữa, nghệ sĩ đăng ký bản quyền nó không thể giống như các ngành khác được. Hàng ngày chúng tôi vẽ nhiều kinh khủng, có khi vẽ trong khoảng thời gian mấy năm có thể cho ra hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm vậy thì câu hỏi đặt ra là đăng ký bản quyền thế nào?
Chả lẽ lại đi đăng ký hết. Cho nên, việc đăng ký bản quyền chỉ giành cho các nghệ sĩ mà lúc nào cũng lo là động chạm đến ai đó, hoặc lao động rất ít thì mới nên đăng ký bản quyền ngay. Đấy là chưa kể đến việc mỗi lần thủ tục lại phức tạp, rườm rà…
Vậy thì họa sĩ và những người yêu tranh cần phải làm gì trong thị trường tranh thật giả đang lẫn lộn như hiện nay?, theo họa sĩ trẻ Bùi Thanh Tâm: Về các họa sĩ, họ nên tìm cách nào đó để tự tạo cho mình một dấu ấn riêng, một thủ thuật riêng để khi xảy ra việc tranh chấp thì bản thân mình sẽ tự bảo vệ được chính mình.
Mỗi người đều có những kĩ thuật riêng, ngay cả nghệ sĩ chân chính, để họ vẽ lại chính bức tranh của họ họ cũng không thể nào vẽ được 100%.
Bởi vì đã là nghệ sĩ, quá trình sáng tác phụ thuộc vào cảm hứng, không gian và tâm trạng… Có thể vào thời điểm đó họ mới có thể sáng tác được những tác phẩm như vậy. Người ta có thể chép được bề mặt chứ không thể chép được tinh thần, cũng như cái hồn của các tác phẩm vậy.
Còn đối với những nhà sưu tập, chúng ta nên tìm đến những địa chỉ tin cậy, hoặc gặp trực tiếp những họa sĩ với phòng tranh của họ để tận mắt tìm hiểu và trang bị cho mình kiến thức về hội họa và lòng tin với nghệ sĩ. Từ đó sẽ có kinh nghiệm và an tâm hơn khi chọn lựa các bức tranh.
Bên cạnh đó, sự chung tay của truyền thông cũng là một nhân tố góp phần rất lớn trong việc phát hiện những sai phạm của các tác phẩm không đúng sự thật…