Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29: Vui buồn đọng lại
SEA Games 29 dù chưa khép lại, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ hoàn thành chỉ tiêu lọt vào tốp 3.
Trong niềm vui của nhiều đội tuyển, vẫn còn đó thất bại nặng nề của U22 Việt Nam hay màn thi đấu dưới phong độ một cách khó hiểu của xạ thủ từng giành HCV Thế vận hội Olympic Hoàng Xuân Vinh. Tất cả sẽ được nhìn nhận một cách nghiêm túc để hướng tới ASIAD, diễn ra vào năm sau tại Indonesia.
Những cô gái vàng của thể thao Việt Nam.
Bóng đá nam sẽ được mổ xẻ
Tấm HCV được chờ đợi nhất tại SEA Games luôn là môn bóng đá nam, nhưng một lần nữa U22 Việt Nam đã gây thất vọng lớn, khi không thể giành vé vào được bán kết, phải về nước sớm.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng qua tại Kuala Lumpur (Malaysia), Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã có chia sẻ ngắn gọn về thất bại của U22 Việt Nam: “Trong các trận đấu của U22 Việt Nam có nhiều cảm xúc và sự thất bại của U22 là nỗi buồn của tôi và người hâm mộ. Nhưng phải thừa nhận U22 Thái Lan quá hay, ở trình độ châu lục. Còn về chuyên môn phải hỏi ban huấn luyện. Sau khi về nước chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với VFF về thất bại này”.
Cũng theo ông Phấn, U22 Việt Nam là đội tuyển được kỳ vọng nhất nên cũng luôn thi đấu với sức ép nặng nề. Tất nhiên, đó không phải là lý do được chấp nhận cho thất bại.
Điền kinh toả sáng, bơi lội còn phụ thuộc vào Ánh Viên
Điền kinh đóng góp tới 17 HCV, trong khi bơi lội là 10 HCV. Riêng hai đội tuyển này đã đóng góp tới một nửa tổng số HCV của đoàn TTVN tại SEA Games.
Nói về thành tích của đội tuyển bơi lội, ông Trần Đức Phấn cho biết: “Đoàn TTVN không đặt áp lực với bất cứ VĐV nào. Một VĐV đạt được 3 HCV SEA Games đã qúa tuyệt vời, vậy mà 8 HCV, 4 kỷ lục thì TTVN không biết bao giờ mới có một VĐV như vậy. Riêng ở những cự ly ruột của Ánh Viên, không thể để thua được. Còn các tấm HCV khác là trên tuyệt vời rồi”.
Tuy nhiên, có thể thấy bơi lội Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào sự toả sáng của Ánh Viên, dù VĐV này cho biết chưa hài lòng với chính mình. Trong 10 HCV, chỉ có 2HCV được Kim Sơn và Huy Hoàng bất ngờ giành được.
Còn với điền kinh, đội tuyển này đăng ký 10-11 HCV, 14 HCB và hơn 14 HCĐ. Như vậy, nếu các VĐV phong độ tốt sẽ chuyển từ bạc sang vàng. Chẳng hạn ban đầu Tú Chinh chỉ đăng ký 1 HCV ở 100m, nhưng đạt được cả 200m và 4x100m tiếp sức… Như vậy điền kinh không hề đăng ký chỉ tiêu ảo. Chúng tôi dự đoán điền kinh Việt Nam sẽ có 14-15 HCV, nhưng thực tế tốt hơn”.
Chia sẻ về thành tích của mình ở SEA Games năm nay, VĐV Lê Tú Chinh nói: “Em rất hài lòng về phong độ, vì đây là lần đầu tiên tham dự SEA Games. Em rất tự hào về thành tích của mình mang về cho đoàn TTVN. Em muốn được vào tốp 3 châu lục”.
Nốt trầm bắn súng
Dù có nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh nhưng đội tuyển bắn súng chỉ đạt 1 HCV. Thất bại của bắn súng cũng đã được xạ thủ Xuân Vinh thừa nhận và xin lỗi người hâm mộ: “Cá nhân tôi xin gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ, đã thực sự chơi chưa tốt. Với thể thao, nhất là bắn súng, việc diễn biến về trạng thái tâm lý xảy ra rất phức tạp. Đến SEA Games lần này bắn súng bị cắt giảm nhiều nội dung, với cá nhân tôi, là VĐV chủ chốt của đội tuyển luôn có trách nhiệm lớn, vì thế chưa đạt phong độ tốt, và bị tâm lý.
SEA Games chúng tôi cũng chịu sức ép. Rõ ràng sau những thành công, dư âm của Olympic khiến tôi chưa ổn định được tâm lý.
Ở SEA Games này tôi chưa đạt phong độ tốt, nhưng thời gian tới sẽ rút kinh nghiệm để có bước tiến tốt hơn. Rất mong có sự cổ vũ của người hâm mộ, giới truyền thông”.
Cũng theo xạ thủ Quân đội, trong giai đoạn 10 năm gần đây, nhìn chung thành tích của bắn súng ở đấu trường thế giới chỉ có 1-2 VĐV tốt. Hiện tại sự đầu tư cho bắn súng rất hạn chế, từ trường bắn tới các trang thiết bị. Đối với Quân đội và Hà Nội là 2 CLB mạnh nhất mới được đầu tư, còn các nơi khác chỉ 200-300 triệu đồng đầu tư mỗi năm.
Hướng tới ASIAD 2018
“Tất cả những tấm huy chương, kể các VĐV không giành được đều rất đáng trân trọng. Tôi nhấn mạnh đi đầu là các môn Olympic, ASIAD.
Tất cả những tấm huy chương đạt được ở 2 đấu trường này đều như nhau hết. Áp lực các VĐV đè nặng không chỉ ở SEA Games, không phải cứ tham dự SEA Games là hạ thấp áp lực.
Chẳng hạn như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh thi ở đâu thì giá trị của tấm huy chương cũng rất ý nghĩa. ASIAD năm tới đây chúng tôi phải chuẩn bị rà soát và đầu tư trọng điểm vì nguồn lực chúng ta có hạn. Sau khi rà soát ở Olympic 2016 chúng tôi thấy rằng có 3 vấn đề là khó tấn công các môn thể thao sức mạnh, tốc độ và sức bền. Vì thế nên tấn công vào môn nào cần tập trung kỹ”, ông Phấn nói về sự chuẩn bị của TTVN cho ASIAD 2018, ngay sau khi kết thúc SEA Games 29” - ông Phấn nhấn mạnh.