Đâu chỉ có bóng đá
Tấm huy chương nào cũng được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. U22 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng phải về nước sớm, hãy cứ chờ thầy trò HLV Hữu Thắng giải trình và chịu trách nhiệm sau thất bại nặng nề này.
SEA Games vẫn còn đang tiếp diễn với những cuộc tranh tài đầy cam go. Hãy trân trọng công sức của từng VĐV khi họ đang chiến đấu đến những phút cuối cùng để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Là những phóng viên làm mảng thể thao nhiều năm, phải nói thật rằng việc đội tuyển U22 Việt Nam một lần nữa tan giấc mộng HCV SEA Games khiến ai cũng hụt hẫng, tiếc nuối.
Nhưng chúng tôi còn buồn hơn khi một số đồng nghiệp và người hâm mộ đã nói rằng SEA Games kết thúc ngay khi U22 Việt Nam dừng chân ở vòng bảng, dù đại hội thể thao còn một tuần nữa mới bế mạc.
Người ta chỉ quan tâm xem Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bao giờ sẽ sa thải HLV Hữu Thắng và tìm ai thay thế. Câu chuyện đáng buồn về bóng đá đáng lẽ nên được khép lại nhưng lại trở nên nóng hơn, dù một số đội tuyển thậm chí vẫn còn chưa bước vào thi đấu.
Có người nói rằng 100 HCV các môn không đổi được một tấm HCV bóng đá, đó là vì suốt hơn 50 năm qua chúng ta mong mỏi, chờ đợi đến cháy bỏng. Và dĩ nhiên khi mà chưa thể thực hiện được giấc mơ HCV bóng đá nam, thì cái suy nghĩ kia vẫn tồn tại, hiện hữu.
Nhưng nếu nói ngược lại, thì bóng đá nam đã được đầu tư quá lớn trong suốt nhiều năm mà liên tục thất bại nặng nề, trong khi hãy cứ nhìn sang bóng đá nữ, những cô gái ăn mì tôm mà giành tới 5 HCV khu vực, thì tấm HCV nào xứng đáng và ý nghĩa hơn cả?
Hãy biết trân trọng công sức, sự cống hiến của từng VĐV, từng đội tuyển, và SEA Games đâu chỉ có bóng đá nam.
Cuối thư này, người viết xin được dẫn lại nguyên văn chia sẻ của Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn hôm qua: “Tất cả những tấm huy chương, kể các VĐV không giành được đều rất đáng trân trọng. Các VĐV có người đã đánh đổi hàng chục năm vì nghĩa vụ với tổ quốc, nên họ phải là người được tôn vinh, dù thành công hay thất bại”.