Bao lâu để có một bác sĩ?

Cẩm Anh 28/08/2017 08:50

Thời gian đào tạo đại học y khoa 5 năm hay 6 năm là vấn đề lại vừa được đặt ra tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường y dược Việt Nam, diễn ra chiều ngày 26/8. Cũng tại đây, đại diện Bộ Y tế cho biết ngành y đang chuẩn bị để tiến tới tổ chức kỳ thi cấp quốc gia cấp thẻ hành nghề cho bác sĩ, nghĩa là học xong muốn thành bác sĩ phải vượt qua kỳ thi này.

Đáng tiếc, cả 2 “cải tiến” này, đều không được hiệu trưởng các trường y dược đồng tình.

Ảnh minh họa.

Lý do để rút ngắn thời gian đào tạo bác sĩ đa khoa xuống còn 5 năm (chương trình đào tạo ĐH cấp bằng cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, kỹ thuật y học, các cử nhân khác sẽ kéo dài 4 năm), được lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đưa ra là do Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 đã quy định thời gian đào tạo Đại học là từ 3-5 năm.

Như vậy, theo “khung” này sẽ không có “ngoại lệ” cho ngành y là 6 năm. Có mặt tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), cho biết sở sĩ có qui định thời gian đào tạo đại học 3-5 năm trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu ý kiến đề nghị của Bộ Y tế, chứ không phải ý kiến Bộ GDĐT.

Cụ thể là khi xây dựng khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GDĐT từng đề xuất thời gian đào tạo từ 3-6 năm, trong đó đào tạo đại học 6 năm là đã tính đến đặc thù đào tạo của ngành y.

Chỉ nghe qua cách “giải thích” của đại diện mỗi ngành trong câu chuyện thời gian đào tạo đại học y khoa cũng đủ thấy vì sao trong nhiều việc khác, trách nhiệm ở rất nhiều cơ quan, bộ ngành trong bộ máy hành chính công thường rất “lòng vòng”.

Kiểu như trong vấn đề cụ thể này, Bộ Y tế bảo sắp tới sẽ rút ngắn thời gian đào tạo bác sĩ đa khoa xuống còn 5 năm vì Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân qui định thế, nhưng cơ quan làm “khung” thì bảo sở dĩ có “khung” như vậy vì Bộ Y tế đề xuất!

Tuy nhiên, có thể hiểu, việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học y khoa là “ý chí” của ngành y tế!

Và điều này, đã được dư luận xã hội tranh luận nhiều lần. Ngay cả lần này, tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược Việt Nam, cũng hầu như không có ý kiến đồng tình từ các trường đại học.

Lý lẽ được nhiều thầy hiệu trưởng các trường đại học y đưa ra là “việc thay đổi này không phù hợp với đặc thù đào tạo của một ngành mà người học ra trường sẽ làm việc liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh con người”.

Đáng chú ý là quan điểm của PGS TS Nguyễn Đức Hinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược.

Ông đã nói rằng, ngay cả những giai đoạn đất nước khó khăn nhất, chiến tranh ác liệt cũng chỉ có 1-2 khóa đào tạo y khoa 5 năm, do điều kiện của cuộc chiến tranh lúc ấy, ngay sau đó đã trở về với khung đào tạo 6 năm.

Vì vậy thật khó thuyết phục khi trong điều kiện hiện tại lại rút ngắn thời gian đào tạo y khoa xuống còn 5 năm. Chưa kể rằng mô hình đào tạo y khoa 6 năm là phổ biến trên thế giới, một số nước còn kéo dài thời gian đào tạo nhiều hơn nữa.

Đưa ra đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo y khoa, lý giải của đại diện ngành y tế là nhằm đảm bảo công bằng, phát huy thuận lợi cho người học khi tham gia thị trường lao động, vì thời gian đào tạo ngành y lâu nay dài hơn, nhưng chế độ chính sách của các bác sĩ cũng chỉ tương đương hệ cử nhân khác…

Nếu đưa ra một cải tiến trong đào tạo bác sĩ mà chỉ để đảm bảo công bằng cho người học là được học ít thời gian như ngành khác thì e rằng không ổn chút nào.

Trong khi điều quan trọng đối với ngành y hiện nay là đổi mới để đào tạo y khoa chất lượng hơn, là tuyển dụng thực chất và công bằng để trình độ hành nghề của bác sĩ tốt hơn chứ không phải tìm cách cho sinh viên ngành y được “ngang bằng” với ngành khác về thời gian đào tạo.

Bởi vì trên toàn thế giới, thậm chí cả với y học cổ truyền, không có ở đâu đào tạo y khoa lại “công bằng” với các ngành học khác, đào tạo ra một bác sĩ luôn luôn đòi hỏi cao, khắt khe, chuẩn mực… Nếu cần cải tiến thu nhập bác sĩ thì cần có cơ chế để thực hiện công khai việc này chứ không phải vì chế độ chính sách của bác sĩ tương đương cử nhân ngành khác mà rút ngắn thời gian đào tạo.

Tất nhiên, trong lý giải về chất lượng bác sĩ, đại diện ngành y tế cho biết Bộ đang tiến hành chuẩn bị để tổ chức kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề.

Nghĩa là thay cho việc sinh viên y khoa sau khi học 6 năm trong trường, thực hành 18 tháng trong bệnh viện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần và có giá trị vĩnh viễn như hiện nay thì Bộ Y tế sẽ tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ, dược sĩ.

Kết quả của cuộc thi sẽ là căn cứ để Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Và chứng chỉ có thể chỉ có giá trị trong 5 năm chứ không phải là vĩnh viễn như trước đây.

Về việc tổ chức thêm một kỳ thi quốc gia cho người học nghề y rồi mới cấp thẻ hành nghề bác sĩ, có lẽ chúng tôi sẽ bàn tới trong một bài viết khác.

Nhưng chỉ mong sao, mọi cải tiến của ngành y không phải là “vẽ rắn thêm chân”, nhất là khi chúng ta nhớ rằng trình độ bác sĩ và khả năng điều trị là một quá trình rèn luyện lâu dài gian khổ, chứ không phải chỉ là qua một cuộc thi.

Rút ngắn thời gian đào tạo rồi bày thêm một cuộc thi liệu có làm cho xã hội có nhiều bác sĩ giỏi hơn không? Đó mới là câu hỏi cần trả lời.

Cẩm Anh