Địa phương nào cũng xin cơ chế đặc thù thì sao?

Thu Hương (ghi) 28/08/2017 08:55

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM đề xuất việc xây dựng bộ sách giáo khoa (SGK) riêng phù hợp với thực tiễn của thành phố. Bên cạnh đó, TP HCM cũng xin Chính phủ cơ chế đặc thù về giáo dục, cụ thể là giao quyền tự chủ nhân sự và tự chủ tài chính cho các trường.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng trong điều kiện hiện nay, những đặc thù mà TPHCM đề xuất chưa phù hợp.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS Văn Như Cương- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng hiện nay ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó quy định rõ việc một chương trình, có thể có nhiều bộ SGK.

Việc TPHCM xin được viết một bộ SGK riêng không sai nhưng theo Luật, nếu bộ SGK của TP HCM được thẩm định, cho phép dùng thì có nghĩa cả nước cũng được phép dùng chứ không phải chỉ một mình TPHCM có quyền dùng.

“Một chương trình, nhiều bộ SKG phải được hiểu như thế chứ không phải viết riêng chỉ cho một tỉnh thành nào dùng. Tôi không hiểu lý do gì TP HCM đặt yêu cầu như thế?”- ông Cương nêu vấn đề.

Chung quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhiều nước trên thế giới thực hiện việc một chương trình nhiều bộ SGK.

Trong đó, Bộ GD&ĐT tập trung ban hành chương trình giáo dục phổ thông chuẩn, còn việc biên soạn SGK là của các tác giả viết sách.

Sau đó, sẽ có Hội đồng thẩm định Quốc gia phê duyệt và nếu khi được công nhận thì các tỉnh, các trường đều có quyền dùng bộ sách này.

Luật của chúng ta cũng không có quy định một bộ SGK chỉ dùng riêng cho tỉnh nào mà khi đã được Hội đồng thẩm định thông qua thì mọi địa phương, mọi trường đều có thể dùng. Nếu TP HCM viết riêng một bộ SGK với mục đích chỉ riêng mình dùng, các địa phương khác không được dùng là không đúng.

Đối với đề xuất xin cơ chế đặc thù về tài chính và nhân sự cho các trường, ông Cương cho rằng đó là một vấn đề lớn. Mức học phí trên toàn quốc đã có quy định cụ thể đối với thành thị, nông thôn, miền núi. Nếu bây giờ để các trường tự quyết thì chẳng mỗi nơi một phách, sẽ loạn hay sao?

Không tán thành đề xuất này, ông Cương cho rằng khi thành phố có quyền tự quyết định như thế, tức là thu học phí bao nhiêu thì Bộ rất khó kiểm tra được.

Về quan điểm cho rằng nếu được triển khai, chất lượng giáo dục của TP HCM sẽ nâng cao, ông Cương cho rằng TP HCM cũng là một địa phương của đất nước ta. Mặt bằng chung về giáo dục của TP HCM so với nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa là tương đối tốt.

Đặt trong sự so sánh với nền giáo dục ở vùng núi phía Bắc xảy ra lũ lụt, tan hoang… trường lớp bị cuốn trôi, hư hỏng nặng… nếu TP HCM còn xin những cơ chế đặc thù khác nữa thì thật thiếu công bằng. Và nếu Chính phủ chấp nhận TP HCM có cơ chế đặc thù riêng thì tại sao Hà Nội lại không thể riêng, Đà Nẵng không thể…

Ông Khuyến cũng cho rằng thay vì cứ xin những đặc thù riêng cho địa phương mình, nên kiến nghị sửa đổi điểm chưa phù hợp trong luật hiện nay.

TP HCM phải bình đẳng với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Nếu tất cả địa phương đồng loạt xin cơ chế đặc thù cho giáo dục như TP HCM thì lúc đó chúng ta sẽ xử trí ra sao? Tôi cho rằng, mấu chốt là phải sửa Luật Giáo dục.

Về ý kiến cho rằng nếu chưa thể thực hiện đồng loạt thì có thể thực hiện thí điểm việc tự chủ tài chính và nhân sự ở một số trường ở TP HCM, ông Cương cho biết, giáo dục là nhiệm vụ dài lâu, không thể đem hết thí nghiệm này tới thí nghiệm khác áp dụng lên giáo dục, lên các học sinh của chúng ta khiến các em hoang mang.

Chẳng hạn, nay học phí thấp, mai lên cao vút thì nhiều em không thể tiếp tục theo học trường đó nữa. Các trường cũng cần chịu sự quản lý của Sở GD&ĐT địa phương, không thể có chuyện xin tự chủ để chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT vì tất cả phải được phân cấp, Bộ GD&ĐT không thể ôm đồm hết tất cả mọi việc.

“Hiện nay ở TP HCM và Hà Nội có đưa ra loại hình trường chất lượng cao, Nhà nước xây dựng trường, cơ sở vật chất hiện đại trang thiết bị rất đầy đủ lại thu học phí đến 4-5 triệu/tháng. Điều đó phải xem lại có đúng với Luật không. Tôi được biết trong các loại hình trường đã được quy định có hai loại chính là trường công và trường tư, ngoài ra trong trường công có trường chuyên, trường dân tộc nội trú… chứ không có trường chất lượng cao” - ông Cương cho hay.

Dẫn chứng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) hiện thu học phí 1,6 triệu/tháng. Nếu giờ tăng mức học phí lên 2 triệu, 3 triệu 1 tháng cũng phải đặt câu hỏi.

Trường chất lượng cao, Nhà nước đã xây dựng trường rồi mà còn thu học phí đến 5 triệu một tháng thì chi gì cho hết?

Đó chẳng phải là trường của con nhà giàu sao? Bây giờ nếu cho tự thu chi mà không giám sát được chặt chẽ thì rõ ràng sẽ có nhiều hệ lụy từ những vấn đề này.

Theo Sở GD&ĐT TP HCM, trong đề án tự chủ đang được xây dựng, học phí sẽ được xây dựng trên cơ sở không tăng ngân sách. Các trường học được quyền xây dựng khung học phí trên cơ sở bảo đảm hoạt động, huy động xã hội hoá ở khu vực có điều kiện.

Nguồn kinh phí từ ngân sách cho giáo dục đào tạo trong tổng chi ngân sách nhà nước của thành phố sẽ ưu tiên bố trí cho vùng khó khăn và các cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm.

Ngành giáo dục thành phố tiếp tục thực hiện miễn giảm học phí và có chính sách xã hội hoá, nhằm đảm bảo tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được học tập.

Thu Hương (ghi)