Để nuôi tôm thành công, con giống đóng vai trò quan trọng
“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có các mô hình nuôi tôm mang lại giá trị gia tăng cho con tôm để đạt giá trị 10 tỷ USD như Chính phủ mong muốn mới là quan trọng chứ không phải các mô hình tăng sản lượng tôm nhưng giá trị không cao”.
Đó là ý kiến của Tiến sỹ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tại “Diễn đàn tôm Việt 2017” diễn ra tại Bạc Liêu ngày 28/8.
Quang cảnh diễn đàn.
Diễn đàn do Ban quản lý dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam (SusV)”, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công vùng ĐBSCL”, tại diễn đàn những người nuôi tôm được các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công, bền vững và thân thiện môi trường, như mô hình nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm hai giai đoạn, biofloc, vi sinh, ít thay nước….
Diễn đàn còn chia sẻ các quy trình, mô hình, phương thức nuôi tôm theo hướng hiệu quả cao về kinh tế, an toàn về dịch bệnh, giảm rủi ro về môi trường; chia sẻ hướng phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sú cỡ lớn, tôm - rừng, tôm - lúa, hướng đến xây dựng thương hiệu tôm Việt.
Theo Tiến sỹ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cần có các mô hình nuôi tôm mang lại giá trị gia tăng cho con tôm để đạt giá trị 10 tỷ USD như Chính phủ mong muốn mới là quan trọng chứ không phải các mô hình tăng sản lượng tôm nhưng giá trị không cao.
Các đại biểu tham quan các máy trị bệnh cho tôm.
Một số người nuôi tôm thành công còn chia sẻ, để nuôi tôm thành công, con giống đóng vai trò hết sức quan trọng, cần có nguồn con giống chất lượng, không bị nhiễm bệnh, kế đó là phải có nguồn nước đảm bảo và có chất lượng…
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện này tỉnh có khoảng 130.000 ha nuôi tôm ở nhiều mô hình khác nhau. Trong thời gian qua, đã có một số mô hình nuôi tôm thành công được triển khai thực hiện trên địa bàn như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhưng cũng còn đó những mô hình nuôi tôm gặp nhiều rủi ro.
Qua diễn đàn, tỉnh Bạc Liêu mong muốn sẽ có thêm những mô hình nuôi tôm thành công, những cách làm hay, những kinh nghiệm nuôi tôm của bà con nông dân, của các nhà khoa học, các doanh nghiệp được chia sẻ, trao đổi nhằm góp phần làm cho cho ngành tôm Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung phát triển bền vững.