Nghịch lý thừa - thiếu giáo viên: Đào tạo xa rời nhu cầu nhân lực
Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên bậc học mầm non và tiểu học mỗi dịp năm học mới luôn là nỗi lo của nhiều địa phương. Bước vào năm học mới 2017-2018 này, Sở GD&ĐT nhiều địa phương cho biết đang thiếu cả ngàn giáo viên chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Cùng với đó, nhiều năm nay tình trạng sinh viên sư phạm ra trường khó xin được việc làm đã đẩy nghịch lý thừa – thiếu giáo viên thành nỗi lo không hề nhỏ.
Ngành sư phạm cần chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Tìm hiểu nhu cầu xã hội
Theo số liệu Bộ GD&ĐT công bố tháng 1/2017, cả nước hiện thừa 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên (tháng 5-2016), Bộ dự kiến đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. Trong khi đó, theo thông báo của Bộ GD&ĐT, năm 2017 các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu. Thực trạng thừa- thiếu giáo viên lây nay chứng tỏ việc xác định chỉ tiêu đào tạo dường như tách biệt với nhu cầu nhân lực.
Trước đó, Đề án quy hoạch “Phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020” của Bộ GD&ĐT xuất phát từ sự đánh giá sát đúng thực trạng: Việc đào tạo đội ngũ giáo viên không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương. Những hạn chế đã được nhìn thấy, chỉ ra trong Đề án, dẫu thế, do chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đã được phân định rõ. Một số khâu tuyển dụng, phân công, phân nhiệm, nhân sự còn phụ thuộc vào các bộ, ngành khác và cấp quản lý địa phương, chứ ngành GD&ĐT không được giao quyền chủ động hoàn toàn.
Từ thực tiễn tuyển sinh sư phạm nhiều năm qua, đặc biệt là ở mùa tuyển sinh 2017 này, có thể thấy nếu đào tạo trúng theo nhu cầu xã hội, các trường sư phạm vẫn thực sự hút thí sinh. Đơn cử như với trường ĐH Vinh, 2 ngành sư phạm Giáo dục Mầm non, sư phạm Giáo dục Tiểu học lại không ngừng tăng sức hút. Mùa tuyển sinh năm 2017, ngành học mầm non được xem là ngành “nóng” nhất hiện nay khi có tỷ lệ “chọi” khá cao và thí sinh cần phải trải qua 2 vòng thi mới trúng tuyển.
Cụ thể, trong số khoảng 4.000 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Vinh thì có gần 1.000 hồ sơ đăng ký vào ngành Sư phạm Mầm non. Tuy nhiên, chỉ tiêu của ngành chỉ có 110 thí sinh. Ngành Sư phạm Mầm non là một trong ít ngành có điểm chuẩn cao nhất trường với 27 điểm (trong đó môn năng khiếu hệ số 2 và điểm năng khiếu phải đạt tối thiểu là 5,5 điểm). Ngoài ra, ngành Giáo dục Tiểu học điểm chuẩn là 22 điểm, Sư phạm Tiếng Anh 24 điểm.
Theo phân tích của nhà trường, có nhiều lý do khiến thí sinh đăng ký vào ngành mầm non tăng. Trước tiên là do sự thay đổi cái nhìn của xã hội đối với bậc học này, xem đây là bậc học đầu tiên và cần thiết. Tiếp theo, thực tế cho thấy hiện có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường với người học, giáo viên mầm non tự tin, sống được bằng nghề. Sự thay đổi này khiến chỉ tiêu tuyển sinh ngành mầm non tăng nhanh trong 2 năm gần đây và hiện tăng gấp đôi so với các năm trước.
Đào tạo theo đơn đặt hàng
Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT gần đây để giải bài toán tuyển sinh, đào tạo sư phạm có dấu hiệu “tụt dốc” đang gây ồn ào dư luận những ngày qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tích cực triển khai phương án “đặt hàng” đối với đào tạo sư phạm, tạo cơ chế đảm bảo đầu ra cho người học.
Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo các cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay. GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn sẽ sớm có những cơ sở đào tạo đáp ứng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Theo GS Minh, thời gian gần đây có nhiều ý kiến xoay quanh việc đào tạo sư phạm, dư luận quan tâm tới các vấn đề cơ bản như: Tình trạng thừa thiếu của các trường sư phạm; tuyển sinh đầu vào thấp và mong muốn có nhiều học sinh giỏi sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm. Thực tế trên cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục.
Ông cũng lý giải một số vấn đề như: việc thừa và thiếu giáo viên cục bộ cũng như việc đầu vào thấp diễn ra ở một số trường CĐ và một số trường ĐH ở các địa phương. Đây chính là hệ lụy cho việc thiếu kiểm soát của các cơ sở đào tạo sư phạm.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, cũng như nhiều ngành nghề đang có sức hút hiện nay, đào tạo nghề sư phạm không thể vận hành đơn độc. Nó phải xuất phải từ đòi hỏi của xã hội. Trong khi có những địa phương khan hiếm giáo viên mầm non, tiểu học thì các trường sư phạm địa phương lại chưa chú trọng đầu tư đào tạo những ngành học này.
Cùng với đó việc tuyển sinh đầu vào ở một số trường sư phạm còn thấp có rất nhiều nguyên nhân như cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi học xong ít, khó. Chỉ tiêu tuyển dụng nhỏ giọt, cơ hội trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển dụng viên chức của ngành giáo dục các địa phương không nhiều…
Nghịch lý đào tạo sư phạm thời gian qua đã minh chứng rõ ràng, nếu không thống kê chính xác nhu cầu “đầu ra” thì hoạt động đào tạo sư phạm như hiện tại sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Đã đến lúc các trường sư phạm cần phải chuyển hướng đào tạo chất lượng cao, sản phẩm đào tạo phải tinh túy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, càng sát với đòi hỏi của thực tiễn, hay cũng có thể coi là theo “đơn đặt hàng” của xã hội.