Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với bệnh binh gồm những điều kiện gì?
Bố của ông Phạm Văn Nhiệm (Nghệ An) có thời gian tham gia chiến trường tại Thanh Hoá, bị thương ở vùng đầu do bị sập hầm, được chuyển về Viện Quân y 104 điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bố của ông bị ảnh hưởng nặng đến thần kinh, mất 61% sức lao động.
Sau khi ra viện, bố của ông Nhiệm trở về địa phương sinh sống, đến nay chưa được hưởng chế độ gì do bị mất hết giấy tờ. Ông Nhiệm hỏi, trường hợp bố của ông phải xin những giấy tờ gì và tại cơ quan nào để được hưởng chế độ thương binh, bệnh binh?
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với bệnh binh gồm: Giấy chứng nhận bệnh tật; biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa; quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật.
Trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận bệnh tật và Giấy chứng nhận bệnh binh được quy định tại Điều 34 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013. Theo đó, cấp Giấy chứng nhận bệnh tật đối với người mắc bệnh là quân nhân do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên; người mắc bệnh là công an nhân dân do Thủ trưởng đơn vị cấp vụ, Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên; các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật.
Ngoài ra, ông Nhiệm có thể tham khảo thêm về hồ sơ xác nhận, giải quyết chế độ; căn cứ cấp giấy chứng nhận bệnh tật; thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ bệnh binh tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.