Cần lời giải môi trường cho nhiệt điện than
29/8, tại Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Ngành nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn, về lâu dài cần có giải pháp cụ thể.
Xử lý tro, xỉ theo phương pháp hiện đại.
Quá tải lượng tro xỉ
Tính trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám, sẽ thải ra khoảng từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ. Hiện nay trên toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, dự kiến sau năm 2020, cả nước có 43 nhà máy nhiệt điện. Vì thế, xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện là một nhiệm vụ cấp bách.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã chủ động tích cực nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể sử dụng tro, xỉ thạch cao thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây không nung, sản xuất xi măng, bê tông. Tuy nhiên, lượng tro, xỉ được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế. Thực tế, tổng lượng tro xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được vào khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hàng năm.
TS. Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, do chính sách trước đây không bắt buộc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Các cơ sở phát thải chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và tro, xỉ, thạch cao cũng chỉ cần lưu chứa mà không chuẩn bị để xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc dùng cho các công trình xây dựng.
Vẫn theo ông Tùng, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018, lượng tro xỉ thải ra môi trường sẽ là 61 triệu tấn. Đến năm 2020 con số này là 109 triệu tấn và sẽ ngày càng tăng lên, đây là một thách thức lớn. Trong khi đó, các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền còn thiếu cũng dẫn đến việc khó xử lý, tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy, do bị đánh đồng với những quy định về quản lý, xử lý các loại chất thải rắn khác.
Chờ chính sách
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là đơn vị khá chủ động trong việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ tro, xỉ tại nhà máy. Hiện nay, một số đơn vị cũng đã tiến hành lấy mẫu tro xỉ về thử nghiệm và dự kiến sẽ sử dụng tro xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong thời gian tới như Công ty Phú Thành Lộc lấy tro bay cung cấp cho Nhà máy xi măng này với khối lượng khoảng 3.000 tấn/tháng; Tập đoàn Ximang Vissai Ninh Bình; Công ty Hòa kiến Nhân để sản xuất gạch không nung…
Theo ông Bùi Văn An, Trưởng phòng an toàn Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, mặc dù rất nỗ lực trong việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ tro, xỉ; song hiện nay vẫn chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể của Nhà nước về việc sử dụng tro, xỉ để san lấp mặt bằng, sử dụng trong xây dựng… Ngoài ra, công tác tuyên truyền cho nhân dân cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng về việc sử dụng tro, xỉ làm gạch không nung trong xây dựng,… còn nhiều hạn chế.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, nếu sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản trong sản xuất, tiết kiệm hàng trăm hecta diện tích làm bãi chứa và quan trọng hơn cả là đã xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ sản xuất công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường cho ngành công nghiệp sản xuất điện.
Nhận định về vấn đề này, theo TS. Trương Duy Nghĩa, nếu không có biện pháp sử dụng tro, xỉ thì 2 năm không có ý nghĩa gì đối với tuổi đời của nhà máy nhiệt điện. Để sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là làm gạch không nung thì tốt nhất là cần cấm sản xuất gạch nung. Nếu tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than được dùng hết làm vật liệu xây dựng thì bài toán về tro, xỉ đối với môi trường sẽ không đáng bận tâm. Vấn đề chỉ còn là chính sách ở tầm vĩ mô.