Tìm hướng đi chuyên nghiệp cho du lịch Việt Nam
Nhằm góp phần khắc phục các hạn chế, yếu kém của du lịch Việt Nam, ngày 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động đã tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.
Chuyên nghiệp hóa sẽ giúp du lịch Việt Nam có những bước tăng trưởng vượt bậc. (Ảnh minh họa).
Hơn 10 năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt hơn 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bước đầu hình thành những điểm đến du lịch hấp dẫn…
Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Việt Nam còn hạn chế, yếu kém nhất định, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu phát triển. Trong đó, nguyên nhân là tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước cũng như trong hoạt động kinh doanh còn thiếu tính đồng bộ, thiếu hợp lý.
Dẫn chứng từ thực tế, ông Vũ Hồng Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long chia sẻ: “Trước đây, Vịnh Hạ Long nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách du lịch nước ngoài cũng như người dân trong nước đến du lịch. Trong đó, mặt trái là công tác quản lý nhà nước đang hết sức phức tạp, gây mất thiện cảm cho du khách”.
Cũng theo ông Sơn, dù Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới nhưng có một thời gian để lại những ấn tượng xấu. Nguyên nhân là trước khi bàn giao Vịnh Hạ Long cho TP Hạ Long trong khâu quản lý phải thông qua sở, ban, ngành dẫn tới việc xử lý các bất cập rất chậm. Tuy nhiên, sau khi bàn giao Vịnh Hạ Long về cho thành phố đã trực tiếp quản lý, chỉ đạo việc xử lý chèo kéo khách, bán cần câu, bánh kẹo… làm ảnh hưởng đến du khách đã được xử lý triệt để.
Trong đó, các cơ quan quản lý đã đình chỉ hàng trăm chuyến tàu không cho ra Vịnh. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra rất nhiều vấn đề nội bộ như cháy tàu hay để khách mất đồ trên tàu không có người chịu trách nhiệm, hàng thủy sản từ 2kg nói vống lên là 3kg để ăn tiền, chia hoa hồng của hướng dẫn viên, người lái tàu, chủ đập… có thể nói tình trạng chặt chém diễn ra khắp nơi.
Điểm đến như Đà Nẵng cũng đã phải trải qua khoảng thời gian vô vàn khó khăn. Bà Trương Thị Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng chia sẻ, trong những năm trước đây, thành phố cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như thiếu sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, địa phương và cộng đồng trong triển khai xây dựng và giữ gìn môi trường du lịch thân thiện văn minh. Các sở, ban, ngành địa phương chưa chủ động thực hiện hết chức năng thẩm quyền chuyên ngành trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch. Nhận thức của cộng đồng địa phương vẫn còn hạn chế thể hiện qua các hành vi chèo kéo khách du lịch, xin ăn biến tướng, bán hàng rong; phân biệt giữa người địa phương và du khách, chặt chém về giá bán...
Và để giải được “bài toán” đó, Đà Nẵng đã chỉ đạo quyết liệt bằng các đề án, kế hoạch, chương trình hành động với những giải pháp đồng bộ và ý tưởng sáng tạo. Cụ thể, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của và “3 có” : có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị…
“Cần nâng cao nhận thức về sự chuyên nghiệp trong du lịch trên tất cả các lĩnh vực từ người bán hàng rong, xích lô xe thồ là những người đầu tiên phục vụ khách tới các cơ quan ban ngành của nhà nước. Riêng ngành du lịch nỗ lực không là chưa đủ cần có sự nhận thức đồng bộ từ cấp trên đến các thành phần tham gia phục vụ du lịch, lực lượng an ninh sân bay mới tạo ra hiệu ứng rộng rãi và cần sự chung tay tất cả các lực lượng tham gia phục vụ cho ngành du lịch”- bà Hạnh góp ý.
Theo ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, để thu hút được du khách, điểm đến du lịch Phú Quốc phải có sức hấp dẫn vì khách hàng luôn có một ấn tượng nào đó về sản phẩm mà họ muốn đến. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch đồng nghĩa với việc tiếp thị, quảng bá cho đảo Phú Quốc. Để thành công, Phú Quốc phải làm cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng có trách nhiệm, chia sẻ lợi ích một cách hài hoà, cũng như đáp ứng sự hài lòng của du khách. Trong đó, định hướng đầu tư du lịch từ năm 2016-2020, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại hóa, chất lượng cao...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Lê Hương- Phó Tổng Giám đốc Vietravel nói: Tính chuyên nghiệp hóa thể hiện ở những việc như đến cửa khẩu nhân viên hải quan phải hoàn tất thủ tục nhanh, hướng dẫn viên không được trễ hẹn, đến nhà hàng phải nở nụ cười... Hiện tại với ngành du lịch, tính chuyên nghiệp hóa phụ thuộc vào chính chúng ta, những người đang hoạt động trong ngành du lịch và mỗi người dân.
Chúng ta có những tiêu chí đánh giá, hay quy tắc ứng xử… nhưng vấn đề khó nhất là quản trị sao cho đồng bộ, nhất quán. Du lịch là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và con người là tác nhân quan trọng nhất. “Tôi cho rằng để cho mỗi người hiểu được sự chuyên nghiệp hóa trong vấn đề du lịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên đang làm việc trong các doanh nghiệp về du lịch, doanh nghiệp cần quản trị và tăng cường đào tạo. Chuyên nghiệp hóa sẽ tạo nên thương hiệu tốt nhất cho doanh nghiệp”- bà Hương nhấn mạnh.