Quỹ Bảo hiểm y tế: Đến năm 2020 sẽ hết quỹ dự phòng
Đây là dự báo được BHXH Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo định kỳ ngày 29/8 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%; thậm chí 90% quỹ KCB BHYT cả năm của tỉnh (Quảng Nam, Quảng Trị). Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi; nhiều địa phương dự kiến bội chi từ 500 - 1.000 tỷ đồng (Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng...). Duy nhất chỉ có 4 tỉnh cân đối được quỹ KCB BHYT: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk.
“Tính theo số thu và quy luật thông thường các năm cân đối được quỹ BHYT, mức chi trong 6 tháng đầu năm luôn có số chi nhỏ hơn 6 tháng cuối năm (chiếm khoảng 47% tổng quỹ của năm). Mức tăng chi đột biến của năm nay đã khiến 58 địa phương có số chi trên 50% dự toán được giao. Nếu so với quỹ được sử dụng trong nửa đầu năm nay, số bội chi đã lên tới 6.301 tỉ đồng. Theo tính toán, với tốc độ gia tăng chi phí này và không có các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chi phí, thì dự báo quỹ KCB BHYT cả năm 2017 sẽ bị thiếu trên 10.000 tỉ đồng” – đại diện BHXH Việt Nam cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi, theo BHXH Việt Nam, công tác thanh kiểm tra, giám định còn hạn chế do thiếu công cụ để giám định; Chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật KCB: chứng chỉ hành nghề, quy chế bệnh viện; Trách nhiệm quản lý quỹ của cơ sở KCB chưa cao, trong khi đó tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT diễn ra phức tạp, khó kiểm soát: khuyến mại, không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện KCB, kê thêm giường, thống kê DVKT không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị; Người có thẻ BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày/tuần/tháng để trục lợi quỹ BHYT.
Theo ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam do mức đóng BHYT không tăng nên nếu chính sách BHYT giữ ổn định dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi KCB BHYT. Và đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối quỹ.