Mở rộng tối đa thực hiện cơ chế một cửa
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày 29/8 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Người dân rất sòng phẳng, “anh” làm tốt thì được ghi nhận, ngược lại, phải nhận điểm thấp, thậm chí là điểm 0”. Nếu giải quyết TTHC mà theo kiểu “ngứa đầu, lại gãi chân” thì dân không thể đánh giá tốt”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các ý kiến đều thống nhất điểm mới của Dự thảo Nghị định này là mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm cả các Bộ, ngành, thay vì chỉ tại địa phương như trước đây.
Trong hệ thống hành chính của Việt Nam, không chỉ các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương mà các Bộ, ngành cũng là cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC. Thống kê TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành cho thấy số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành chiếm 50% số lượng TTHC đang có hiệu lực. Nhiều nhất là Bộ GTVT 476 TTHC, Bộ NNPTNT 345 TTHC…
Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết TTHC tại các Bộ, ngành vẫn chỉ được giám sát trên cơ sở báo cáo, rất ít Bộ, ngành có một hệ thống chung theo dõi việc giải quyết, đồng thời, việc nhập thông tin vào từng quy trình giải quyết tại hệ thống phụ thuộc nhiều vào ý thức của công chức thực hiện nên hiệu quả theo dõi không cao. Bộ trưởng cho biết, một điểm mới nữa của Dự thảo Nghị định là đặt bộ phận một cửa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cấp hành chính, quy định rõ yêu cầu đối với công chức, viên chức được cử ra thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa và cho rằng: “hiện nay, việc lựa chọn cán bộ tại bộ phận một cửa chưa tương xứng, chưa được quan tâm đúng mức”.
Theo bà Nguyễn Thu Hương- Quản lý cấp cao Chương trình quản trị của Oxfam tại Việt Nam, cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong cải cách hành chính công là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, chuyển từ nền hành chính mang nặng tư duy quản lý kiểu cũ sang tư duy phục vụ. Do vậy, vai trò và tiếng nói của người dân cần được thể chế hóa trong Nghị định, đặc biệt trong các quy định về giám sát và đánh giá, trao quyền hơn nữa cho người dân đánh giá cán bộ công chức trong thực hiện TTHC các cấp.
Ông Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn đều xuất phát từ các TTHC. Quan tâm đến vấn đề người dân tham gia vào quá trình đánh giá, theo ông Võ, cần quan sát và lần theo về các “dấu vết” phần mềm tin học trong giải quyết TTHC để xem nội bộ cơ quan hành chính đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ hay chưa?
Cho rằng, Việt Nam đang thuộc nhóm trung bình kém của các nước ASEAN và dưới mức trung bình trong bảng hơn 200 quốc gia trên thế giới được đánh giá về vận hành Chính phủ điện tử, ông Võ khuyến cáo chính quyền cần đẩy quá trình tin học hóa lên càng nhanh càng tốt. Đây cũng là cơ chế ngăn ngừa tham nhũng khá tốt. “Chẳng hạn, trong việc xin cấp phép khai mỏ, người khai mỏ không cần tiếp xúc trực tiếp người có thẩm quyền cấp phép khai mỏ, mọi thứ đều được giải quyết bằng hình thức trực tuyến”, ông Võ còn ví von, “cải cách TTHC cũng giống như tạo ra được một cái chợ chỉ một người bán, chứ không để cơ chế nhiều người bán, tham nhũng rất nhiều”.
Đến nay, trong số 63 tỉnh, thành, mới có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai theo mô hình một cửa tập trung, Hà Nội và TPHCM đều chưa xuất hiện trong danh sách này. So sánh điểm số 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2016 giữa nhóm các tỉnh tổ chức trung tâm hành chính công cấp tỉnh và những tỉnh không tổ chức cho thấy những tỉnh có tổ chức Trung tâm hành chính công cấp tỉnh được doanh nghiệp phản hồi tốt hơn và có điểm số cao hơn.