Khơi nguồn sáng tạo
72 công trình, giải pháp sáng tạo được tuyển chọn trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 nhân kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2017), được UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 và phát động phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” ngày 28-8 đã thực sự lan truyền cảm hững sáng tạo, để đưa 1 trong 3 trụ cột là khoa học công nghệ “cất cánh” đáp ứng sự p
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao giấy chứng nhận cho các tác giả. (Ảnh: Quang Vinh).
Xuyên suốt quá trình hơn 30 năm đổi mới, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, mà trong đó phải kể đến chính là phát triển khoa học công nghệ, phát hiện, đào tạo ươm mầm những tài năng để “ra hoa thơm, kết trái ngọt. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phát động cổ vũ phong trào của Mặt trận, Chính phủ cũng luôn đồng hành bằng việc quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Còn Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật pháp luôn dành những điều khoản, những chính sách nhằm tạo kiện tốt nhất, để các nhà khoa học phát huy tài năng, sáng tạo và cống hiến trong đổi mới cũng như chuyển giao công nghệ bằng việc thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 vừa qua diễn ra vào tháng 6. Mà trọng tâm là việc quan tâm về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; cấp phép, đăng ký và hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, để phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”, trong bài phát biểu của mình nhân sự kiện công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 và phát động phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
“Chúng ta cần tạo được những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, nhất là đối với kiều bào ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và về phát triển khoa học công nghệ nói riêng để cùng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”-Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời khẳng định hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đều làm việc với UBTƯ MTTQ Việt Nam để lắng nghe ý kiến của các thành viên MTTQ Việt Nam.
Trên cơ sở những định hướng lớn của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cũng đề nghị, các Bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ tích cực, phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam các cấp để hưởng ứng, tổ chức, triển khai phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trong phạm vi cả nước, tránh hình thức, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhằm khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam và toàn dân tộc ta, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước. Qua đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tài năng, sáng tạo của con người Việt Nam.
Nhìn từ thực tế, các tác phẩm được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đều là những công trình sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu, các dự án, sáng kiến, nhất là các sáng kiến có giá trị hỗ trợ cộng đồng về y tế, môi trường về phát triển kinh tế-xã hội ở những địa bàn khó khăn, biên giới, biển đảo và được ứng dụng rộng rãi trong xã hội. Mà nói như lời Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: “Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân; thông qua đó góp phần kết nối, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Nhưng để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, để phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”, thì rất cần một “đòn bảy chính sách”. Mà điều kiện cần là đã đến lúc cần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, coi đây là một ưu tiên mang tính chiến lược của quốc gia lan tỏa thấm nhuần đến truyền thống hiếu học của mỗi con người Việt Nam, cũng như đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu bằng cuộc cách mạng 4.0 khi khoa học công nghệ được coi là đòn bảy, là quốc sách để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nhưng suy cho cùng, muốn sáng tạo công nghệ được “cất cánh”, điều cần quan tâm chính là đầu tư cho con người-trung tâm của đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu các chính sách đột phá về khoa học công nghệ; không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tận dụng, phát huy xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt đang được quan tâm hiện nay như tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng sạch, vật liệu mới, đặc biệt là các giải pháp nâng cao năng suất lao động xã hội ở nước ta góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, đưa sản phẩm khoa học công nghệ đi vào cuộc sống.
Con người là trung tâm. Khi được đầu tư trọng tâm, trọng điểm và mang tính chiến lược, trí tuệ của nó sẽ được ứng dụng lan tỏa để khởi sáng, thay vì chỉ “cất trong ngăn kéo”. Do đó một chiến lược dụng nhân để bồi dưỡng vun đắp nhân tài là điều đặt lên trên hết vào lúc này, mà trong đó là sự cất nhắc lựa chọn trách nhiệm trong công tác cán bộ. Cùng với những chính sách “vời gọi người tài” thay vì làm nó thui chột đi.