'Nhất thể hóa' quản lý an toàn thực phẩm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1268/QĐ-TTg, thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng. Đây là BQL an toàn thực phẩm thứ 2 thí điểm thực hiện trên cả nước sau BQL An toàn thực phẩm TP.HCM được thành lập hồi tháng 3 theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dư luận xã hội đang hết sức kỳ vọng việc “nhất thể hóa” khâu quản lý an toàn thực phẩm sẽ tạo bước chuyển đột phá trong việc đảm bảo vệ sinh, loại bỏ hoàn toàn thực phẩm “bẩn”.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng như TP HCM, BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng trực thuộc UBND TP Đà Nẵng, thực hiện chức năng tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ cấu tổ chức của BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng được quy định cụ thể: Một trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban, có 3 phòng chuyên môn, 5 đội nghiệp vụ, 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm. Thủ tướng quyết định thực hiện thí điểm BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng 3 năm kể từ ngày 25/8/2017.
Lâu nay, thực phẩm bẩn luôn là vấn nạn nhức nhối trong cuộc sống xã hội. Theo quy định của Nghị định 38/2012/NĐ - CP, trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng có trách nhiệm của 3 ngành: NN&PTNT, Công thương và Y tế. Do vậy nên xảy hiện trạng đáng buồn là “cha chung không ai khóc”, thực phẩm “bẩn” tràn lan khó kiểm soát. Từ sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ như vậy nên khi có một vụ thực phẩm “bẩn” bị phát hiện thì các ngành lập tức lớn tiếng tranh luận, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Hậu quả cuối cùng vẫn là người tiêu dùng phải gánh chịu, bỏ tiền mua bệnh tật và cái chết dần vào người do sử dụng thực phẩm “bẩn”.
Đáng nói ở chỗ, 3 ngành nói trên có hẳn một bộ máy cồng kềnh chỉ để “quản” việc đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường sạch sẽ, không còn tồn dư kháng sinh, không bị nhiễm các loại hóa chất độc hại... nhưng xem ra công tác quản lý vẫn không hiệu quả. Chính vì thế mà thực phẩm “bẩn” vẫn tự do tung hoành trên thị trường, thậm chí còn được tuồn vào trong siêu thị - nơi mà người tiêu dùng đặt niềm tin tuyệt đối rằng chỉ bán thực phẩm “sạch”. Dư luận bức xúc vì cái chết đang hàng ngày len lỏi vào từng bữa ăn của người Việt mà lại không thể quy trách nhiệm cho ai, đơn vị, hay ngành nào. Chẳng thế mà một đại biểu Quốc hội từng phải thốt lên rằng, chưa có bao giờ mà con đường từ bữa ăn đến nghĩa địa lại gần đến vậy.
Trước thực trạng trên, ngày 5/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2349/QĐ-TTg, thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm TP HCM và ngày 25/8/2017 là Quyết định số 1268, thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, với mục tiêu quy về một mối, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, các BQL An toàn thực phẩm của TP.HCM và Đà Nẵng đều được thành lập trên cơ sở có sự góp mặt của cả 3 ngành: Y tế, Công thương, NN&PTNT. Với việc thí điểm thành lập “một cửa” trong khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng hy vọng sẽ không còn thực trạng tràn lan thực phẩm “bẩn” trên thị trường như hiện nay.
Kỳ vọng của cả xã hội là có cơ sở, khi mà BQL An toàn thực phẩm được thành lập thí điểm sẽ “quản” hết mọi vấn đề có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định và giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, đến giấy xác nhận nội dung quảng cáo, các thủ tục về chuỗi thực phẩm... sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của BQL An toàn thực phẩm mới được thành lập.
Theo đó, nhiệm vụ của BQL An toàn thực phẩm tại TP HCM và TP Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở việc cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn có cấp giấy phép tham gia đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất, chế biến rau, quả; các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các tàu cá, cơ sở thu mua, sơ chế chế biến thủy, hải sản; các cơ sở sản xuất thực phẩm và kinh doanh... BQL An toàn thực phẩm thí điểm còn có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để lọt thực phẩm “bẩn” ra thị trường bán đến tay người tiêu dùng.
Cũng có một số ý kiến lo ngại rằng BQL An toàn thực phẩm sẽ không thể chuyên sâu về từng lĩnh vực như mô hình 3 ngành cùng quản lý hiện nay, sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát mức độ an toàn thực phẩm. Xin thưa rằng BQL An toàn thực phẩm được thành lập trên cơ sở có sự “góp mặt” của cả 3 ngành y tế, công thương và nông nghiệp nên sẽ không thể có chuyện “thiếu chuyên môn” trong từng lĩnh vực được. Mặc dù trách nhiệm quản lý nhà nước được quy về một mối, song việc cấp giấy xác nhận các lĩnh vực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đảm bảo theo đúng quy định của các thông tư riêng trong từng lĩnh vực: Y tế, Công thương và NN&PTNT.
Đương nhiên bất kể việc gì khi làm thí điểm sẽ có những sự bất cập, hạn chế nhất định. Song, phương châm của Chính phủ là các BQL An toàn thực phẩm thí điểm tại 2 địa phương là TP HCM và TP Đà Nẵng sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau 3 năm sẽ có đánh giá, tổng kết những mặt mạnh cũng như nhược điểm của mô hình này, để từ đó quyết định có tiếp tục nhân rộng ra trên toàn quốc hay không. Hy vọng đây sẽ là mô hình tốt, không chỉ để giảm nhẹ bộ máy cồng kềnh, tránh thực trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ của nhiều ngành, mà quan trọng hơn là sẽ kiểm soát tốt được vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh di hại cho giống nòi.