Khai trương Bảo tàng di tích chiến tranh

Phạm Quý 30/08/2017 10:42

Tối 29/8 tại vườn Nghệ thuật Sông Thương (Châu xuyên, P. Lê Lợi, TP Bắc Giang) đã diễn ra lễ khai mạc Bảo tàng di tích chiến tranh với nhiều hiện vật đáng quý qua các cuộc kháng chiến của quân và dân ta.

Những vỏ đạn bom, pháo thời chiến tranh được trưng bày tại bảo tàng.

Bảo tàng di tích chiến tranh là một không gian nghệ thuật lưu giữ các hiện vật, hình ảnh chiến tranh và hậu quả của chiến tranh được đặt ở Vườn Nghệ thuật Sông Thương.

Tại đây, được trưng bày sơ đồ trận đánh sông Như Nguyệt lừng lẫy năm 1077 do Lý Thường Kiệt chống quân Tống xâm lược và sơ đồ Chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang gây trấn động của nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh.

Bảo tàng cũng lưu giữ, phục dựng những đau thương mất mát của chiến tranh theo các chủ đề: Nhà tù; Chất độc màu da cam; Chiến trận; Hành trang người lính; Chiến trường – máu và hoa … cùng với nhiều hiện vật đặc sắc và phong phú như: Máy chém thời thực dân Pháp; các vỏ bom của Mỹ; Vỏ đạn phảo “Vua chiến trường”; Vỏ đạn cối; Những hình ảnh của các cánh rừng bị tàn phá do chất độc màu da cam gây ra …

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến – PCT Hội Nhà văn Hà Nội (giữa) trao tặng hiện vật cho đại diện Bảo tàng di tích chiến tranh.

Những hiện vật tại bảo tàng không chỉ được sưu tầm từ những chiến trường xưa mà còn được các tướng lĩnh, sĩ quan và nhà văn – nhà thơ nổi tiếng trao tặng lại như: Chiếc ống nhòm của lính Mỹ được Nhà văn Nguyễn Trọng Luân lưu giữ; Mũ sắt, ăng gô của Nhà văn Nguyễn Hữu Thọ sử dụng trong mặt trận Quảng Trị; và đặc biệt là cuốn sổ nhật ký nhỏ được người lính ở hai bên chiến tuyến cùng sử dụng của ông Luân nhặt được từ một trưởng xe thiết giáp Quân đội Việt Nam cộng hòa.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Nguyễn Việt Chiến – PCT Hội Nhà văn Hà Nội chia sẻ: “Tôi cho đây là một việc làm rất có ý nghĩa và đáng tự hào. Qua bảo tàng, tôi mong muốn có thêm nhiều những hiện vật có giá trị được đóng góp, để phần nào lưu giữ những quá khứ hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đây cũng là một lời nhắc nhở đối với các thế hệ trẻ là phải luôn nhớ tới lịch sử và biết ơn công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh cho nền độc lập nước nhà”. Cũng tại đây, ông đã quyết định trao tặng lại cho bảo tàng trang viết đầu tiên trên giấy của mình ở chiến trường xưa đầy khói lửa.

Chiếc xe đạp thồ thời kháng chiến được trưng bày tại bảo tàng.

Phạm Quý