Công nghệ cũ kìm chân doanh nghiệp

Minh Phương 31/08/2017 08:05

Công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ là những lý do khiến các DN trong nước khó có thể nâng sức cạnh tranh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi hơn yêu cầu về tiến bộ của khoa học kỹ thuật và cộng đồng DN Việt nếu không muốn bị tụt lại phía sau, không còn cách nào khác phải đầu tư, nâng cao thiết bị, công nghệ trong hoạt động sản xuất.

Rất ít DN Việt sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất.

Gần 90% doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ

Ông Hoàng Mạnh Hùng, giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, trong khoảng hai tháng trở lại đây, dây chuyền sản xuất của DN ông Hùng thường xuyên bị hỏng hóc.

Để khắc phục ông đã bỏ ra nhiều chi phí sửa chữa, phiền toái hơn là tình trạng trục trặc trong sản xuất khiến thời gian trả hàng theo hợp đồng với khách hàng của ông Hùng bị đình trệ.

“Vì là khách hàng quen nên không bị bồi thường chậm hợp đồng, nhưng tình trạng máy móc sản xuất hỏng hóc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, năng lực hoạt động của công ty. Đây là thực trạng hoạt động của nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay, do sử dụng thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu và thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, doanh thu của các DN Việt Nam” – ông Hùng chia sẻ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, các DN nhỏ và vừa hiện nay sử dụng công nghệ tiên tiến chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu… do đó năng lực sản xuất rất thấp.

Cụ thể, một con số thống kê cho biết, hơn 80% DN nhỏ và vừa của Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu so với thế giới, trên 70% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc những năm 1950, 1960 trong đó 75% số thiết bị đã hết khấu hao.

Vị chi lại, theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 10% DN sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ này thua xa các nước láng giềng như Thái Lan (31%), Malaysia (51%) và Singapore (73%).

Đáng quan ngại, DN hoạt động trong ngành công nghệ cao chỉ chiếm 2% nhưng đa số tham gia công đoạn có giá trị gia tăng thấp, 55% DN hoạt động trong ngành công nghệ thấp.

Thực tế này nếu không được cải thiện sẽ có ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Vất vả “số hóa”

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, một trong những trở ngại lớn cho các DN Việt Nam trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ là công nghệ cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại. Và kể cả khi các DN muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

“Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…”, ông Cường cảnh báo.

Nhìn dưới góc độ quốc gia ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã xây dựng rất nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế quan, tài trợ các khoản ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ…

Về phía DN cũng cần phải trăn trở, suy nghĩ về tương lại của mình. Đơn cử, với dây chuyền sản xuất vừa mua về với chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu bây giờ thay đổi hoặc điều chỉnh để ứng dụng công nghệ 4.0 thì sẽ tác động đến DN như thế nào, không điều chỉnh thì bị đào thải, điều chỉnh thì tốn kém. Điều này bắt buộc DN phải thông minh và tự tìm lời giải tối ưu nhất từ làn sóng 4.0.

“Đây cũng là lý do vì sao phải phân ra nhiều cấp độ, từ Nhà nước, Chính phủ, DN… tùy theo hoàn cảnh của đất nước để đem lại lợi ích tốt nhất, hiệu quả nhất cho nhà nước và DN”, ông Nguyễn Phú Cường nhận định. Về thực tế hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN Việt Nam đã có nhận thức và có những phòng bị về 4.0 là điều rất tốt, nhưng cũng đừng quá kỳ vọng 4.0 sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ tại Việt Nam.

Điều quan trọng cần phải nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo nhiều chiều, để từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn nhất. Song điều quan trọng hơn cả là phù hợp với “túi tiền” của một quốc gia cũng như từng DN.

Nếu quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thì sẽ rất nguy hiểm. Mỗi quốc gia hay từng DN không có sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn sẽ đón nhận thất bại.

Minh Phương