Khống chế dịch sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.917 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người hợp nhập viện là 84.026 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%, số trường hợp tử vong tăng 9 trường hợp. Đáng ngại là tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ em mắc khá cao.
Phun thuốc diệt muỗi.
Thuốc diệt muỗi diệt 98% muỗi (?)
Trước những băn khoăn của dư luận về hiệu quả của hóa chất phun diệt muỗi, mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết hóa chất sử dụng diệt muỗi tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội là thuốc phun Delta Metrin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong phòng chống sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, hóa chất diệt muỗi trước khi đưa vào sử dụng đã được đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt về hiệu lực cũng như tính an toàn. Theo kết quả đánh giá sau 24 giờ phun hóa chất cho thấy có khoảng 98% muỗi trưởng thành đã bị diệt. Như vậy, hiệu lực của thuốc tốt.
Qua đánh giá, từ ngày 14 đến 21/8, ba đội cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun.
Tại quận Hoàng Mai, Viện chọn phường Thịnh Liệt, quận Đống Đa chọn phường Khương Thượng, quận Hai Bà Trưng chọn phường Thanh Lương, trước khi phun thuốc, mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn nhưng sau phun 24 giờ thì mật độ muỗi trưởng thành bằng 0.
Nhưng có tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm, nhưng không triệt để. “Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nên sau phun chỉ vài giờ lại nở thành muỗi, chứ không phải do chất lượng của hóa chất diệt muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy”, ông Trần Như Dương nhấn mạnh.
Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế việc phun hóa chất và diệt bọ gậy tại Hà Nội chưa được triệt để. Cụ thể là: 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%.
Mỗi đội phun chỉ có một người phun là không hợp lý, bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu, do đó người phun dễ dẫn đến ngại leo sau khi đã thấm mệt (theo quy định mỗi đội phun phải gồm 2 cán bộ phun và 1 cán bộ kỹ thuật). Nhiều đội viên đội xung kích diệt bọ gậy sức khỏe chưa đáp ứng với yêu cầu công việc.
Chi phí điều trị tốn kém
Theo Bộ Y tế, qua một cuộc điều tra về chi phí điều trị cho bệnh nhân cho thấy, chi phí điều trị trung bình cho một trường hợp mắc SXH giao động từ 900.000 đồng tới 3 triệu đồng, tùy theo mức độ nặng của bệnh và tuổi của người bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải chi phí tới trên 10 triệu đồng/ca do bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm.
Ngoài chi phí về điều trị trong trường hợp người bệnh không có thẻ BHYT thì người mắc SXH còn phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Vì thế gánh nặng kinh tế, xã hội, người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình.
Nghiên cứu của Bộ Y tế ở một số bệnh viện đã chỉ ra, trung bình mỗi người bị SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân cũng phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.
Cùng với đó, do số người mắc SXH tăng cao như hiện nay, khiến cho nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm tăng gánh nặng cho công tác điều trị...
Dịch SXH bùng phát mạnh cũng đã khiến quỹ BHYT phải dành một khoản chi phí không nhỏ cho các bệnh nhân SXH. Theo Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ từ tháng 5 đến đầu tháng 8/2017, cả nước đã có 93.126 lượt bệnh nhân SXH được thanh toán khám chữa bệnh BHYT với số tổng số tiền trên 82,2 tỷ đồng.
Riêng tháng 7 vừa qua, dịch SXH bùng phát mạnh nhất với 38.967 lượt bệnh nhân nhập viện, khiến chi trả từ BHYT cũng tăng tới hơn 36,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng Hà Nội là địa phương với số người mắc SXH cao nhất cả nước với gần 20.000 ca, quỹ BHYT đã chi trả số tiền gần 30 tỷ đồng cho việc điều trị.
Phải diệt tận gốc mầm bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) 10 tỉnh có số mắc cao nhất là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Nam Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa...
Trong đó, Hà Nội và TP HCM có số mắc tuyệt đối cao nhất. Tuýp virus lưu hành hiện nay trên cả nước chủ yếu vẫn là D1, D2 (với tỷ lệ 95%), ngoài ra có D3, D4 chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận trên 20.000 bệnh nhân mắc SXH và 7 trường hợp tử vong.
Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt, song, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn Thủ đô mới chỉ nóng ở cấp thành phố, còn cấp quận/huyện và xã/phường vẫn còn lơ là, xem nhẹ.
Cụ thể là còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất (khi biết thông tin xã, phường tổ chức phun hóa chất thì khóa trái cửa coi như đi vắng hoặc chỉ cho phun ở sân hay tại tầng 1, không phun cả nhà...); số lượng đội xung kích còn thiếu , nhiều thành viên đội xung kích chưa làm tròn trách nhiệm.
Trước tình hình thời tiết mưa nhiều và việc hơn 1,5 triệu học sinh, sinh viên ở Hà Nội sắp bước vào năm học mới, khiến nguy cơ dịch SXH còn lan rộng và diễn ra phức tạp hơn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: Thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến tình hình dịch bệnh không chỉ các quận nội thành mà còn tại các huyện ngoại thành đang có xu hướng gia tăng số trường hợp mắc bệnh.
Hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh ở Việt Nam cho nên biện pháp phòng SXH vẫn là diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy.
Muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà và biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời bởi khi phun lên không gian với các hạt thể tích nhỏ bay lơ lửng, khi muỗi bay ra hoá chất sẽ bám vào và tiêu diệt muỗi.
Tuy nhiên biện pháp này chỉ có tác dụng từ 1-2 tiếng khi các hạt hóa chất còn lơ lửng trên không gian sau đó rơi xuống đất và hết tác dụng, nên biện pháp phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh.
Còn nếu không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra.
Hoá chất diệt muỗi có tác dụng trong bao lâu? Theo ThS BS Nguyễn Đức Khoa- Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà và biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời bởi chỉ có tác dụng từ 1-2 tiếng. |