Tầm nhìn hội nhập và phát triển
Hơn ba mươi năm đổi mới cũng là hơn ba mươi năm Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng quốc tế. Và cũng từ sự hội nhập sâu rộng ấy mà Việt Nam đã thực sự thay đổi toàn diện về kinh tế - xã hội, đã trở thành một trong những nước có thành tựu xoá đói, giảm nghèo ngoạn mục trong con mắt của bạn bè.
Tấm hộ chiếu Việt Nam cũng là tấm hộ chiếu hội nhập.
Nói một cách khái quát hơn trong hội nhập, Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhiều lĩnh vực, nhiều sản phẩm, cộng đồng quốc tế không thể không nhớ đến Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có vị trí quan trọng, là cầu nối giữa ASEAN với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn có những ý kiến khác nhau về truyền thống hội nhập Việt Nam. Căn cứ vào thực tế lịch sử, thời phong kiến Việt Nam và ngay cả thời kinh tế tập trung, bao cấp, nhiều người cho rằng Việt Nam không có truyền thống hội nhập! Việt Nam trì trệ, chậm phát triển bởi có một lịch sử bế quan, toả cảng quá dài. Về vấn đề này chắc còn nhiều luận giải khác nhau, bởi hội nhập không phải chỉ là mong muốn của một phía, mà còn từ điều kiện cụ thể có tính lịch sử bang giao giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Nhân kỷ niệm 72 năm Quốc Khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi có đôi điều suy ngẫm về Việt Nam hội nhập. Bắt đầu từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hồ Chủ tịch đã đọc tại Quảng trường Ba Đình, tuyên bố với quốc dân đồng bào và cả thế giới về sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á- nước Việt Nam dân chủ cộng hoà! Tuyên ngôn đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông với các tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà nam đế cư” và “Cáo bình Ngô”! Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Tuyên ngôn Độc lập là áng văn bất hủ, là bản chính luận mang tầm thời đại. Hơn bảy mươi năm đã trôi qua, hôm nay trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng quốc tế, với vị thế có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với hầu hết các nước lớn, các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng tôi thấy rằng: Tuyên ngôn Độc lập còn là tuyên ngôn Việt Nam hội nhập trong kỷ nguyên mới. Điều đó có nghĩa là Việt Nam hội nhập và quyết tâm hội nhập ngay từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hôm nay, Việt Nam hội nhập không phải là ngẫu nhiên, mà là bước đi có tính quy luật của phát triển mà Việt Nam đã chọn.
Nhận thức được điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó không chỉ gạt đi tư duy bảo thủ, lạc hậu, cố chấp, nửa vời trong hội nhập mà còn cho phép chúng ta tin tưởng vào nền tảng của hội nhập, tư tưởng xuyên suốt của hội nhập Việt Nam. Ai cũng biết, ngay dòng đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776. Và ngay sau đó trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Vì sao Hồ Chủ tịch không lấy tinh thần độc lập tự cường trong “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”? Và vì sao không lấy tư tưởng độc lập và tinh thần “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” của Cáo bình Ngô? Bởi Tuyên ngôn Độc lập cần cộng đồng thế giới thừa nhận giá trị có tính pháp lý của nó. Trong thực tế hoàn cảnh lúc bấy giờ liệu Mỹ và Pháp có muốn thừa nhận nền độc lập của chúng ta không? Chắc là không! Không muốn nhưng không thể phản đối, bởi chân lý là chân lý do chính Mỹ và Pháp thừa nhận. Lấy cái chính họ thừa nhận để buộc phải thừa nhận cái của mình là sự sâu xa của hội nhập vậy! Khẳng định: Quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc là quyền hiển nhiên của mọi người trên hành tinh này và đương nhiên trong đó có người Việt Nam! “Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xam phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trích dẫn trân trọng cái chân lý không thể chối cãi, để khẳng định quyền không thể chối cãi của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do”là để khẳng định điều không thể chối cãi đó là quyền của dân tộc Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc! Mở đầu chặt chẽ, kết thúc hùng hồn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Tinh thần hội nhập thể hiện rõ ràng trong Tuyên ngôn chính là khẳng định Việt Nam luôn hoà cùng cộng đồng quốc tế, cộng đồng tiến bộ, yêu chuộng hoà bình, chống chiến tranh xâm lược, chống nô dịch, áp bức. Chính sự hội nhập quý giá ấy đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả lực lượng tiến bộ của những nước mà chính phủ hiếu chiến của họ muốn duy trì chế độ cai trị Việt Nam. Hội nhập thực sự là yêu cầu của quá trình cách mạng Việt Nam. Nếu coi hội nhập về giá trị pháp lý, về tư tưởng nhân sinh là nền tảng của hội nhập, thì Việt Nam hội nhập ngay từ khi Tuyên ngôn Độc lập. Và chính tinh thần hội nhập ấy là cơ sở pháp lý, là nền tảng của sự tồn tại và phát triển của Nhà nước dân chủ cộng hoà non trẻ, vượt qua khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” khi mới ra đời!
Độc lập, tự do và hạnh phúc là nền tảng vững chắc, là khát vọng của người dân Việt Nam, là động lực để triệu người như một quyết giữ vững độc lập tự do của dân tộc với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”! Cần khẳng định rằng, Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp không chỉ là cơ sở để đấu tranh với các thế lực đang xâm lược nước ta, mà còn khẳng định ý chí của dân tộc ta quyết tâm xây dựng một Nhà nước hội nhập với trào lưu tiến bộ của thế giới: Nhà nước Dân chủ, Cộng hoà. Nên nhớ rằng, nước Việt Nam lúc bấy giờ hơn 90% người dân mù chữ, nạn đói đang hoành hành trên cả nước, nhất là ở miền Bắc, nếu không có tầm nhìn xa trong hội nhập chưa thể nghĩ về một nhà nước dân chủ. Hơn nữa, một nước phong kiến hàng ngàn năm và cũng có những triều đại phát triển rực rỡ, xoá bỏ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hoà, dân chủ quả là một bước hội nhập đầy quả cảm và có tầm thời đại. Vấn đề ở đây không phải là cái tên, mà là bản chất chế độ! Tầm nhìn trong hội nhập và phát triển.
Có thể nói sự nghiệp đổi mới hôm nay bắt nguồn từ tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc kháng mùng 2 tháng 9 đã đem lại thời cơ mới, trang sử mới về hội nhập Việt Nam. Ngày nay chúng ta có đủ điều kiện về vật chất và tinh thần, trí tuệ và tình cảm để bước vào hội nhập một cách tự tin hơn, sâu rộng hơn, toàn diện hơn. Không có gì ngăn được chúng ta tin rằng Việt Nam hội nhập là để phát triển bền vững và cũng là để góp phần cho hoà bình và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Với tinh thần ấy, mỗi công dân Việt Nam hôm nay hãy xiết chặt tay cùng Việt Nam hội nhập vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!