Tăng cường biện pháp bảo vệ gấu và voọc
Thời gian vừa qua tại một số địa phương đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ các loài động vật. Bên cạnh việc thả cá thể voọc về Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), nỗ lực bảo vệ đàn voọc trên núi Chứa Chan (Đồng Nai), thì việc tái gắn chíp cho hơn 200 cá thể gấu nuôi nhốt ở Hà Nội là tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, kế hoạch bảo vệ đàn voọc quý hiếm ở Quảng Nam cũng đã được đưa ra…
Voọc chà vá chân xám ở khu rừng tự nhiên huyện Núi Thành (Quảng Nam).
1. Lâu nay, Hà Nội được các tổ chức bảo vệ động vật ghi nhận là một trong những điểm nóng có số lượng trang trại và cá thể gấu bị nuôi nhốt lớn nhất trên cả nước. Vì thế, việc mới đây, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới hoàn thành chương trình tái gắn chíp cho khoảng trên 200 cá thể gấu nuôi nhốt tại Hà Nội được nhiều người quan tâm.
Theo đó, loại chíp điện tử được sử dụng lần này là công cụ đắc lực và an toàn hơn, giúp công tác kiểm tra chíp được thực hiện dễ dàng vì không phải gây mê cho gấu trong mỗi lần kiểm tra.
Theo TS Karanvir Kukreja - Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, chương trình tái gắn chíp cho gấu tại Hà Nội chỉ thực sự có ý nghĩa nếu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm theo dõi hiệu quả số lượng gấu tại các cơ sở nuôi nhốt cũng như đảm bảo chủ cơ sở không khai thác, buôn bán gấu nuôi dưới mọi hình thức. Ông Karan cho biết thêm, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới đang có kế hoạch mở rộng chương trình tái gắn chíp đến những địa phương trọng điểm khác. “Chúng ta chỉ có thể dừng lại khi không còn một cá thể gấu nào bị nuôi nhốt trong các trang trại, và ngành công nghiệp mật gấu chấm dứt vĩnh viễn tại Việt Nam” - theo Ts Karan.
Được biết, việc tái gắn chíp lần này là một phần trong chiến lược mới do một nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu (bao gồm Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới và tổ chức Four Paws International) phát triển, nhằm hỗ trợ chính phủ thúc đẩy tiến trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Còn nhớ, năm 2005, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (trước đây là Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA)) đã khởi xướng chương trình đăng ký và gắn chíp cho hơn 4.300 cá thể gấu nuôi nhốt tại hàng trăm trang trại trên khắp cả nước. Đây là bước đi đầu tiên trong nỗ lực mang tính chiến lược và toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Mục tiêu của việc đăng ký và gắn chíp cho gấu là nhằm thắt chặt công tác quản lý gấu và bảo đảm không có gấu mới phát sinh tại các trang trại.
Trong 12 năm qua, số lượng gấu nuôi nhốt đã giảm đáng kể nhờ cam kết mạnh mẽ từ chính phủ, cũng như nỗ lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng.
Gấu nuôi nhốt được gắn chíp.
2.Bên cạnh việc gắn chíp cho hơn 200 cá thể gấu đang được nuôi nhốt ở Hà Nội thì câu chuyện về đàn voọc chà vá chân xám tại khu rừng Hòn Dồ (thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cũng được nhiều chuyên gia bảo tồn quan tâm. Cụ thể, theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, tại khu rừng Hòn Dồ hiện có khoảng 16 đến 20 cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống biệt lập ở khu rừng nghèo khoảng hơn 5 ha. Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đây là đàn voọc chà vá chân xám đã được cán bộ Chi cục Kiểm lâm phát hiện và theo dõi từ những năm 2000.
Thời gian qua, để bảo tồn và phát triển đàn voọc chà vá chân xám tại đây, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chính quyền địa phương triển khai nhiều nhóm giải pháp. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng phương án phục hồi dải rừng từ khu vực có phân bố đàn vọoc tại xã Tam Mỹ Tây, lên thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh giáp với xã Tam Trà (huyện Núi Thành) và các khu vực rừng giáp ranh với huyện Bắc Trà My, Tiên Phước kết nối với khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi để đàn voọc chà vá chân xám tự di chuyển hòa nhập với các đàn khác.
Mới đây, lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NN&PTNN Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm nam Quảng Nam phối hợp chính quyền địa phương và các ngành liên quan theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của đàn voọc chà vá chân xám; tăng cường tuần tra chống săn bắt và phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại khu vực này để quản lý bảo tồn loài và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về loài.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên (khoảng 4.500 ha) tại xã Tam Trà; đây là khu vực tiếp giáp với khu rừng ở xã Tam Mỹ Tây, nơi đàn voọc chà vá chân xám đang sinh sống nhằm tạo sinh cảnh để đàn voọc di chuyển sang sinh sống và phát triển thuận lợi hơn.
Giám đốc Sở NN&PTNN cũng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật để thực hiện việc kết nối sinh cảnh cho đàn voọc chà vá chân xám đến khu vực thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh; đồng thời kêu gọi các cơ quan của Chính phủ, tổ chức, cá nhân và các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ kinh phí, cùng hợp tác trong công tác bảo tồn voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam nói chung và khu vực huyện Núi Thành nói riêng.
1 cá thể voọc chà vá chân nâu được về với Vườn quốc gia Cúc Phương Ngày 14-8, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đã bàn giao cá thể voọc chà vá chân nâu cho Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương - thuộc VQG Cúc Phương, Ninh Bình. Trước đó, ngày 13-8, gia đình ông Nguyễn Quang, trú tại Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc phát hiện cá thể voọc này lạc vào vườn nhà nên bắt giữ và trình báo lên cơ quan chức năng. Con voọc bắt được là giống đực, nặng 6,5kg, còn khỏe mạnh. Cá thể voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc) thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Voọc chà vá chân nâu có đặc trưng là bộ lông 5 màu, được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới, các loài động vật này cần được bảo vệ vô điều kiện. Ngay sau khi nhận được thông tin từ chính quyền địa phương, Hạt kiểm lâm huyện Phú Lộc đã đến ngay địa điểm nói trên để tiếp nhận con voọc này từ gia đình ông Nguyễn Quang đồng thời thông báo về Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương. Vân Sơn |