Cơn chếnh choáng văn hoá

Nguyễn Đức Thành Vĩnh 01/09/2017 09:15

Đi gần hết 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, những cú sốc văn hoá vẫn không hề suy giảm. Trong xã hội quan hệ giữa con người với con người thật khó lý giải, nhất là trên mạng xã hội…

1. Đâu rồi một dân tộc vốn không có nền văn hoá đồ sộ với những cống hiến lớn lao cho nhân loại nhưng được xây dựng trên nền tảng của nhân văn, nhân bản? Bây giờ nhìn trên mạng xã hội chỉ thấy nỗi sợ hãi về sự xuống cấp của văn hoá và đạo đức, của những tội ác nhức nhối lương tâm. Nhìn cái cách mà một bộ phận trong cộng đồng mạng hùa nhau hôm nay chửi bới người này, mai rủa xả chuyện khác chỉ thấy sự thảng thốt lo sợ ta đang mất “cái nền nhân bản”. Thế giới đã chán ghét và đi qua thời kỳ “tư bản dã man” thì những mầm mống của nó lại nhen nhóm đâu đó ở xã hội chúng ta trên cái nền của chủ nghĩa thực dụng đang lấn lướt.

Khi đời sống cơm áo gạo tiền không còn là nỗi thúc bách, người ta rảnh rỗi tham gia vào mạng xã hội và lập ngôn, có khi cả lập thân ở đó. Chưa bao giờ xã hội vô cùng dễ nổi tiếng như bây giờ. Không cần bằng những công trình nghiên cứu đồ sộ, những tác phẩm tầm cỡ mà chỉ cần biết chửi đã nổi tiếng rồi. Càng chửi bậy, càng chửi lãnh đạo, chửi người nổi tiếng thì càng nhanh nổi tiếng. Trong giới khoa học thì chỉ cần lợi khẩu, hoạt ngôn, biết PR thì cũng đã đủ để nơi nơi mời mọc, trọng vọng như một nhà văn hoá lớn. Đời sống văn hoá, văn học nghệ thuật đang thiếu những con người, những công trình, những tác phẩm tầm cỡ. Trong vòng vài năm qua, mạng xã hội như cái hố nuốt chửng không ít người đáng lẽ đang ở độ dồi dào sáng tạo. Thay vì nghiên cứu, viết lách người ta viết facebook cho dễ nổi. Và đua nhau xuất bản…tản văn cho dễ đọc và dễ bán.Thẩm mỹ công chúng đi xuống khi chỉ quen đọc những status chửi bậy và tản văn, nghe thì quay trở lại với bolero. Và để chiều theo thị hiếu, thay vì sáng tạo cái mới, khắp nơi hát bolero. Tới mức, thành những cuộc khẩu chiến tranh luận về bolero…

“Xã hội bình trị được đạt đến bằng lễ”. Rất nhiều người nói văn hoá là nền tảng tinh thần nhưng không mấy ai bồi đắp cho cái nền tảng ấy. Một xã hội không có “lễ”, không trọng “lễ” thì tất mất dần đi “cái nền nhân bản”. Xã hội văn minh và nhân bản không đồng nghĩa với việc những người có chữ nghĩa trong xã hội chửi nhau như con buôn giữa chợ. Có những người nổi tiếng văn hay chữ tốt bạ gì cũng chửi, ngôn ngữ ngày càng rẻ tiền. Chửi cơ chế, chính sách, chửi cán bộ… hình như chưa đủ, quay sang chửi nhau, bóc mẽ nhau.

Đành rằng tham nhũng tiêu cực đang nhức nhối. Đành rằng đang có không ít cán bộ thoái hoá biến chất. Nhưng vào một vài trang cá nhân của không ít người vốn cũng có tiếng tăm trong xã hội về chữ nghĩa, choáng váng nghe họ chửi người khác như xem các bà hàng cá hàng thịt chửi nhau. Nhân danh gì đi nữa và khoan bàn đến quan điểm đúng sai giữa người chửi và đối tượng bị chửi, không thể đạt tới một xã hội dân chủ, công bằng hơn bằng văn hoá “chửi”. Cũng không thể nhân danh chống tiêu cực tham nhũng để bạ ai cũng chửi, bằng những từ ngữ, lời lẽ như lưu manh đầu đường xó chợ.

Chưa bao giờ truyền thông lại đặt ra những thách đố to lớn như bây giờ. Một mặt nó thúc đẩy một xã hội ngày càng tiến tới công khai, minh bạch và công bằng xã hội. Nhưng để “cầm cương” được mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, phải xác lập được những yếu tố nào của văn hóa đóng góp cho phát triển bền vững. Hiện UNESCO đã chỉ ra 7 phạm vi văn hóa đóng góp cho phát triển là kinh tế, giáo dục, di sản, thông tin, quản lý và thiết chế, tham dự xã hội và bình đẳng giới. Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc với phát triển gồm khả năng giải quyết sự bất bình đẳng và tiếp cận dân chủ; giải quyết mối quan hệ của cá nhân con người với cộng đồng; khả năng dự báo (hoặc quản lý) rủi ro và giải quyết bất bình đẳng giới. Ví dụ: Nếu người dân với tư cách là chủ thể văn hóa được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển thì yếu tố bình đẳng sẽ kích thích sự sáng tạo, đồng thời tăng cường sự giám sát xã hội, kiểm soát tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên, nếu nhân danh phản biện xã hội và giám sát tham nhũng bằng cách chửi nhau như mổ bò trên mạng hiện nay thì văn hoá dân tộc đang mất nhiều hơn là được. Mà cái đáng sợ nhất là mất đi sự nhân văn, nhân bản - nền tảng của đạo đức xã hội.

Khi xã hội nhan nhản trí thức bạ gì cũng chửi (kể cả chửi thầy cô giáo và bác sĩ) thì việc trẻ con đang tuổi học trò chửi nhau, đánh nhau, chửi cả thầy cô và nhà trường rồi quay clip đưa lên mạng có gì là bất ngờ.

2. Theo GS Lê Văn Lan, Đổi mới và Hội nhập là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử nhưng cũng là bước đi cực kỳ hiểm nguy. Sự hiểm nguy ấy đã xuất lộ về mặt văn hóa với bao nhiêu dẫn chứng về sự băng hoại đạo đức, về mặt tư tưởng chính trị, ngổn ngang rối bời về mặt văn hóa lối sống…Cho nên theo GS Lan, bây giờ những cái ác đang xuất hiện trong xã hội là sản phẩm của sự vô thức giống như trong chặng đầu của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa tư bản dã man mà thế giới đã bước qua từ lâu. Kể cả về mặt văn hoá dòng họ và tâm linh tín ngưỡng, người ta cũng đang vô thức quay về với cái thời đã qua. Những giá trị mà một thời do tả khuynh vô thần làm cho nó mai một. GS Lan ví von, giống như một cây tre một thời ta vít nó sang bên trái, tức tả khuynh, ta cột nó xuống. Đến thời này, ta cởi dây cột ấy cây tre bật sang bên kia với sức bật ghê gớm. Thành ra vô thức đang hữu khuynh, phục hồi, lăn lộn, tắm đẫm vào văn hóa của thời quá khứ như văn hóa dòng họ, văn hóa công danh - quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” của một thời đã qua.

Giới nghiên cứu văn hoá đã nói nhiều về mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển, coi văn hoá như là tiêu chí đánh giá chất lượng phát triển. Nếu nhìn vào nền văn hoá của ta hiện nay để đánh giá, thì ta đang phát triển đến đâu? Chủ thể của văn hoá là con người.Không thể có nền tảng văn hoá nếu mối quan hệ giữa người với người không được xây dựng trên nền căn bản là đạo đức. Không ai không nhận thấy nền văn hóa của đất nước đang suy thoái nhiều mặt. Không chấn hưng kịp thời, mạnh mẽ sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.Văn hóa suy cho cùng hướng tới giá trị bản chất nhất là hình thành nhân cách con người và đảm bảo cho phát triển bền vững mà lợi ích dân tộc phải là mục tiêu hướng tới.

Theo cách ví von của GS Lê Văn Lan về hình ảnh cây tre bị vít xuống bên này thì sẽ bật rất mạnh sang phía bên kia, chúng ta hy vọng theo đúng quy luật, cơn chếnh choáng văn hoá hiện nay rồi sẽ tìm lại được sự cân bằng. Sự cởi mở về thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện là công cụ để giúp con người tiến tới dân chủ một cách văn minh và là động lực cho phát triển. Chứ tuyệt đối không phải là nơi dung dưỡng cho cái ác và sự vô văn hoá lên ngôi.

Công cuộc chấn hưng văn hoá đang cần kíp hơn bao giờ hết. Chiến lược phát triển văn hoá phải thể hiện một cách hết sức thực tiễn để tác động trực tiếp vào từng con người, là những người vừa hưởng thụ, vừa sáng tạo văn hóa.

Rất nhiều người nói văn hoá là nền tảng tinh thần nhưng không mấy ai bồi đắp cho cái nền tảng ấy. Một xã hội không có “lễ”, không trọng “lễ” thì tất mất dần đi “cái nền nhân bản”. UNESCO đã chỉ ra 7 phạm vi văn hóa đóng góp cho phát triển là kinh tế, giáo dục, di sản, thông tin, quản lý và thiết chế, tham dự xã hội và bình đẳng giới. Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc với phát triển gồm khả năng giải quyết sự bất bình đẳng và tiếp cận dân chủ; giải quyết mối quan hệ của cá nhân con người với cộng đồng; khả năng dự báo (hoặc quản lý) rủi ro và giải quyết bất bình đẳng giới. Ví dụ: Nếu người dân với tư cách là chủ thể văn hóa được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển thì yếu tố bình đẳng sẽ kích thích sự sáng tạo, đồng thời tăng cường sự giám sát xã hội, kiểm soát tình trạng tham nhũng.
Nhân danh gì đi nữa và khoan bàn đến quan điểm đúng sai giữa người chửi và đối tượng bị chửi, không thể đạt tới một xã hội dân chủ, công bằng hơn bằng văn hoá “chửi”. Cũng không thể nhân danh chống tiêu cực tham nhũng để bạ ai cũng chửi, bằng những từ ngữ, lời lẽ như lưu manh đầu đường xó chợ.Theo cách ví von của GS Lê Văn Lan về hình ảnh cây tre bị vít xuống bên này thì sẽ bật rất mạnh sang phía bên kia, chúng ta hy vọng theo đúng quy luật, cơn chếch choáng văn hoá hiện nay rồi sẽ tìm lại được sự cân bằng.

Nguyễn Đức Thành Vĩnh