Việt Nam trong mắt người nước ngoài: Những đổi thay mạnh mẽ

Thế Tuấn (Tổng hợp) 04/09/2017 08:30

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông quốc tế, hình ảnh Việt Nam xuất hiện với tần số ngày một nhiều hơn. Sự đổi mới của Việt Nam được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, cùng đó là những ghi nhận tích cực.

Việt Nam thân thiện qua hình ảnh một cụ bà chèo thuyền tươi cười ngồi đợi khách ở Hội An, dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Nhật Bản Rio Akasaka.

Lựa chọn và quyết định

Từ năm 2015 tới nay, nhiều tờ báo báo hàng đầu nước Anh chung nhận định, Việt Nam trải qua những thay đổi rõ rệt về kinh tế, văn hóa trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là Đà Nẵng.

Tờ The Guardian sau khi nhắc lại sự kiện ngày 8/3/1965, các binh sĩ thuộc lữ đoàn 9 của Lực lượng viễn chinh Thủy quân lục chiến Mỹ dùng xà lan tiến vào bãi biển Nam Ô (Đà Nẵng)- đã đưa ra nhận xét, tới nay thành phố ấy đã là nơi rất phát triển, hầu như không còn dấu vết của chiến tranh. “Đó là sự trỗi dậy”- The Guardian viết, từ một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực. Để đạt những bước chuyển ấy, là do sự cải cách kinh tế sâu rộng, gồm chủ trương Đổi Mới vào năm 1986.

“Khách du lịch Mỹ tới đây có thể ngạc nhiên trước số lượng lớn các nhà hàng McDonald, Starbuck và KFC. Nhiều bộ phim mới nhất của Hollywood xuất hiện tại các rạp. Cửa hàng đồ hiệu như quần Levi's, giầy Converse và máy tính bảng iPad xuất hiện khắp nơi”. Guardian dành những nhận xét đặc biệt cho Đà Nẵng “đại diện cho sự phát triển đáng kinh ngạc của một quốc gia”: Ngày nay, đây là một đô thị hiện đại với các tòa nhà cao tầng, đại lộ rợp bóng cây cùng nhiều cây cầu hiện đại.

Guardian dẫn lời Chuck Palazzo- một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Đà Nẵng giai đoạn 1970 -1972: “Tôi thực sự bất ngờ khi quay trở lại Việt Nam. Chứng kiến cách người dân đứng lên từ đống tro tàn, theo đúng nghĩa đen, là điều tôi không thể tin nổi. Đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam luôn năng động và hướng tới tương lai. Họ quan tâm tới công nghệ, truyền thông xã hội, ngân hàng, kinh tế và tham gia hoạt động cộng đồng. Đó là những tín hiệu tốt”.

Trong một bài viết cuối năm 2016, Hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba) nhận định, trong 30 năm thực thi chính sách đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị và ngoại giao. Trong đó, thành tựu nổi bật cần nhắc đến chính là sự chuyển mình của Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giành được vị thế quốc tế đáng kể trong quan hệ ngoại giao cũng như thương mại.

Với nhà báo Pháp Joseph Ahekoe thì từ lâu Việt Nam được nhìn nhận như một tấm gương đối với nhiều nước đang phát triển do giữ được ổn định chính trị, đạt được những thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Tuần báo Kuwait Times (một trong những báo lớn của Kuwait) viết rằng, quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Điều đó cho phép nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành công.

Trong bài viết nhan đề “Những thành tựu trong 30 năm đổi mới ở Việt Nam”- tác giả Pavel Herman đăng trên trang báo điện tử Parlamentnilisty.cz (Nghị viện) của Cộng hòa Séc, có đoạn: Xét về khía cạnh phát triển xã hội và cuộc chiến chống đói nghèo, hơn một phần ba trong tổng số các khoản đầu tư trong xã hội ở Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa và các mục tiêu tương tự khác. Những thành tựu của đường lối đổi mới trong 30 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn và quyết định của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý. Định hướng này tạo nên một nền tảng niềm tin vững chắc cho người Việt Nam.

Trong bài “Việt Nam có thể trở thành con hổ châu Á mới hay không?” đăng trên trang báo chuyên ngành tài chính và kinh tế của Nga Vestifinance.ru, phân tích rằng Việt Nam có đầy đủ mọi tiền đề để phát triển bền vững và nhanh chóng. Đặc biệt, chính sách cởi mở trong thương mại và đầu tư mà Việt Nam tiến hành kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX chính là điểm mấu chốt để tạo niềm tin cho giới đầu tư, thúc đẩy họ mở doanh nghiệp tại đây.

Còn theo các chuyên gia kinh tế của Conference Board- tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 và sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017, đạt mức trung bình 6,7% giai đoạn 2017 - 2021. “Kinh tế Việt Nam sẽ không chịu những tác động lớn khi chính quyền mới của ông Donald Trump nói “không” với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”- nhóm chuyên gia nhận xét.

Cũng rất đáng lưu ý khi bằng việc tính điểm trên một số hạng mục chính (như ảnh hưởng văn hóa, di sản, khả năng mở rộng thương mại, chất lượng cuộc sống, chỉ số kinh tế...), US News và World Report đánh giá trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để chọn “60 quốc gia tốt nhất thế giới”.

Theo đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 32. Việt Nam có chỉ số cao nhất ở hạng mục “Nguồn lực phát triển” với 6,5 điểm; “Khả năng mở rộng thương mại” với 5,2 điểm. Tại hạng mục “Di sản”, Việt Nam đạt 3,2 điểm, bao gồm: Bề dày lịch sử phong phú, nét văn hóa đặc sắc đa dạng, nhiều di tích văn hóa lịch sử và nền ẩm thực hấp dẫn. Ngoài ra, hạng mục “Chất lượng cuộc sống” đạt 1,9 điểm.

Cặp đôi người Nhật Tsutomu Mimatsu và Erika Mimatsu trong trang phục người nông dân Nam Bộ chụp ảnh giữa một đầm sen ở Long An.

Những khuyến cáo bổ ích

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thế giới cũng đưa ra những nhận xét, khuyến cáo dành cho Việt Nam để có thể tiếp tục phát huy được thế mạnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, cũng như có thể đủ lực đối diện với những thách thức trong tương lai. Theo ông Achim Fock (Ngân hàng Thế giới - WB), để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Bởi năng suất lao động là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhưng trong thập niên vừa qua, năng suất lao động đã chững lại.

Cụ thể hơn, với từng ngành và từng doanh nghiệp, mức tăng năng suất lao động bị hạn chế bởi một số yếu tố trong đó có việc tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm. Trong khi đó đội ngũ doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ gồm chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ, không có công nghệ và cũng không bị áp lực cạnh tranh buộc phải tăng năng suất lao động.

Các chuyên gia đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị, Việt Nam cần củng cố ngân sách theo hướng hỗ trợ tăng trưởng để giảm thâm hụt ngân sách xuống khoảng 3% GDP vào năm 2020 và giúp nợ công giảm bền vững. Củng cố ngân sách nên tập trung vào việc mở rộng diện nộp thuế, bảo đảm chi đầu tư công chất lượng cao cho giáo dục, y tế và kết cấu hạ tầng, đồng thời cũng có sẵn nguồn lực để giải quyết các khoản nợ xấu và tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. IMF cho rằng, những cải cách khu vực tài chính, cơ cấu và cải cách các doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng để nâng cao năng suất và tăng trưởng về trung hạn.

IMF khuyến cáo, cần đẩy nhanh tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua việc cổ phần hóa nhanh và toàn diện, thoái vốn kinh doanh ngoài ngành, minh bạch các khoản thu từ cổ phần hóa và việc sử dụng các khoản thu đó. Đặc biệt, cần tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân khi tiếp cận các nguồn lực, chú trọng nghiên cứu và phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư công và mở rộng đào tạo nghề nhằm giải quyết sự chênh lệch về kỹ năng.

Còn Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh), bên cạnh việc đánh giá tích cực về du lịch Việt Nam thì cũng khuyến cáo rằng, một trong những trở ngại ngăn cản Việt Nam sớm khẳng định vị thế trên thị trường du lịch toàn cầu chính là chất lượng kết cấu hạ tầng. Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường bộ và đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động du lịch.

Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành du lịch, mà còn cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân. Đó cũng là nhận xét được tạp chí Forbes (Mỹ) đưa ra khi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ ngành du lịch.

Nhận xét về kinh tế Việt Nam, GS Ricardo Hausmann (trường Chính sách Công Kennedy, Đại học Harvard, Hoa Kỳ) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, sánh ngang với Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 4,3 lần so với năm 1986. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng đã thay đổi từ gạo, tôm cá… sang các sản phẩm điện tử, năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam xếp thứ 27/123 nước trên thế giới.

Các học giả thế giới còn bày tỏ sự ngạc nhiên khi mà Việt Nam nghèo mà học giỏi. Theo kết quả Bài thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, thứ 22 về Toán và thứ 32 về Đọc hiểu- cao hơn nhiều nước phát triển. Nói như GS Paul Glewwe (Khoa Kinh tế học Ứng dụng, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ) thì kết quả này đã gây bất ngờ cho cả thế giới. “Ở đây có điểm khá thú vị, theo khảo sát của chúng tôi, xếp hạng PISA tỉ lệ thuận với trình độ GDP của quốc gia đó, nhưng đối với trường hợp của Việt Nam thì không đúng”- theo GS Paul Glewwe.

Thế Tuấn (Tổng hợp)