Tiếng Việt trong dòng chảy thời gian
Theo chúng tôi, đặc điểm lớn nhất của ngôn ngữ Việt Nam là trải qua hàng ngàn năm tiếng nói và chữ viết hoàn toàn cách biệt. Cũng có ý kiến cho rằng chúng ta đã từng có chữ viết cổ nhưng chưa được chứng minh một cách thuyết phục.
Rèn từng chữ viết.
Còn theo cách hiểu thông thường chúng ta bị buộc phải sử dụng chữ Hán làm ngôn ngữ chính thống, cho đến đầu thế kỷ 20 với kỳ thi Hán học cuối cùng chữ Hán mới hoàn toàn bị loại bỏ. Với sức sống mãnh liệt của ý thức dân tộc, tiếng Việt vẫn tồn tại độc lập và ngày càng phát triển, không chỉ trong giao tiếp hàng ngày mà còn đơm hoa kết trái trong văn học dân gian với kho tàng truyện cổ, ca dao và dân ca trau chuốt và diễm lệ.
1. Sức sống mãnh liệt ấy đã khiến cho ngay từ thế kỷ thứ 13 với Hàn Thuyên đã manh nha xuất hiện trào lưu dùng chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt. Tuy không được các triều đình phong kiến Việt Nam chấp nhận (trừ triều đại Tây Sơn, nhưng rất tiếc nhà Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi), nhưng chữ Nôm vẫn ngày càng phát triển và đã để lại những tác phẩm (cả khuyết danh và có danh) như: Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca, Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương v.v… và đặc biệt là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du…
Đó là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học của dân tộc và đưa tiếng nói Việt Nam ngày càng phát triển, đủ sức phản ánh một cách đa dạng, tinh tế tâm hồn Việt. Ngoài sự kiểm tỏa của ý thức hệ phong kiến, chữ Nôm chưa bao giờ trở thành văn tự chính thống của dân tộc vì độ khó của nó, bởi người sử dụng chữ Nôm trước hết phải biết chữ Nho.
Chữ Việt đầu tiên (sau này ta gọi là chữ quốc ngữ) được các giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền đạo, sáng tạo vào đầu thế kỷ 17. Sử dụng ký tự Latin (mà họ thành thạo) để ghi âm tiếng Việt, họ muốn công việc truyền giáo của mình thuận lợi, vì tín đồ có thể vừa nghe, vừa đọc được lời của Chúa. Với sự tiện lợi, dễ học, dễ nhớ, chữ quốc ngữ thuở sơ khai phát triển nhanh trong đồng bào Công giáo (cùng với những cuốn từ điển Việt - Bồ - La tin mà các giáo sĩ sáng tạo).
Nhưng chữ quốc ngữ chính thức được cấp “thông hành” từ 1/1/1882 là ngày chính quyền Pháp buộc người Việt Nam ở Nam Kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Phải nói ngay rằng Nghị định ngày 6/4/1878 của Thống đốc Nam Kỳ nhằm tạo thuận lợi cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa của người Pháp và hạn chế tầm ảnh hưởng của Nhà nước phong kiến Việt Nam (đặc biệt là ở những vùng là thuộc địa của Pháp) nhưng nó lại có ý nghĩa khách quan rất lớn khi góp phần giúp cho sự phát triển hoàn chỉnh của ngôn ngữ dân tộc (gồm tiếng nói và chữ viết). Nó cũng tạo điều kiện cho báo chí tiếng Việt và các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Việt đầu tiên xuất hiện ở miền Nam và phát triển rực rỡ ở nửa cuối thế kỷ 19 và những năm đầu của thế kỷ 20.
Tất nhiên một bộ phận trong tầng lớp sĩ phu và các nhà nho học kịch liệt chống lại chữ quốc ngữ với tâm trạng trung quân ái quốc giáo điều, là không học chữ của kẻ thù. Nhưng với sự tiến hóa của thời đại, sự tiện dụng và phổ biến của chữ quốc ngữ, tâm lý này ngày càng thu hẹp nhanh chóng và với sự ra đời của phong trào Đông kinh Nghĩa thục giới sĩ phu yêu nước Việt Nam đã chính thức công nhận chữ quốc ngữ. Nhưng phong trào Đông kinh Nghĩa thục chỉ tồn tại hơn một năm rồi bị thực dân Pháp dẹp bỏ, bởi chúng đã biết đằng sau việc kêu gọi học chữ quốc ngữ là tiếng gọi yêu nước, là tiếng chim gọi đàn khởi đầu cho phong trào chống Pháp đòi độc lập dân tộc.
Một bước phát triển vượt bậc của phong trào truyền bá chữ quốc ngữ là Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời năm 1938 do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Hội này hoạt động liên tục cho đến Cách mạng Tháng Tám (và sau cách mạng trở thành phong trào Bình dân học vụ).
Đấy là những cái mốc chính ghi nhận sự hình thành và phát triển của chữ Việt, từ sơ khai đến khi trở thành quốc ngữ được tất cả người dân Việt Nam thừa nhận. Nhưng đó chỉ là những dấu mốc bề nổi. Sự thực thì sau vài thế kỷ hình thành và phát triển, chữ Việt ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển rực rỡ của báo chí tiếng Việt và dòng văn học hiện đại viết bằng tiếng Việt và đến lượt nó, những tác phẩm báo chí và văn học này lại góp phần hoàn thiện hơn công cụ mà nó sử dụng.
Sự hoàn thiện của chữ quốc ngữ trong thế kỷ 20 không chỉ ở trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật mà còn trong cả địa hạt khoa học - kỹ thuật. Và thành công vang dội của bước phát triển này là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta đã có thể giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học bằng tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Đây là một thành công rất lớn vì có rất ít quốc gia trong hoàn cảnh tương tự như nước ta thực hiện được điều này.
Cùng với sự hoàn thiện của chữ quốc ngữ, sự phát triển vượt bậc của công nghệ in ấn và xuất bản, nửa cuối thế kỷ thứ 20 chứng kiến sự bùng nổ của việc công bố rộng rãi hầu hết những sáng tạo tinh thần của dân tộc trong hàng nghìn năm qua: Đó là việc xuất bản các tác phẩm dân gian của dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số anh em và công cuộc dịch, phiên âm và xuất bản các tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ từ khởi thủy cho tới hiện nay. Có thể nói hầu hết các sáng tạo trải qua hàng chục thế kỷ của ông cha đã tới tay đông đảo công chúng. Rồi hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, công nghệ… được sáng tạo trong thế kỷ 20 cũng được công bố ngay khi nó được tác giả hoàn thành và những công trình văn hóa, khoa học… của nhân loại cũng lần lượt được dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Có thể nói thế kỷ 20 (và những năm đầu của thế kỷ 21) là một cuộc tổng duyệt và công bố vô cùng vĩ đại vốn văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc. Với công cụ vô cùng hữu hiệu và tiện lợi là chữ quốc ngữ, chỉ trên dưới một trăm năm, việc công bố và sáng tạo văn hóa, khoa học của dân tộc đã gấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần các thế kỷ trước cộng lại.
2. Nhưng vài chục năm trở lại đây tiếng Việt phát triển chậm lại- thậm chí có những dấu hiệu suy thoái. Đó là sự giảm sút độ trong sáng và tinh tế trong giao tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc sính sử dụng tiếng nước ngoài bắt đầu tràn lan, mặc dù tiếng Việt hoàn toàn có khả năng diễn đạt. Điều đáng buồn là mở đầu xu hướng này lại là không ít các phương tiện thông tin đại chúng.
Rồi nhiều biểu hiện trên các thành phố lớn được viết bằng tiếng nước ngoài khiến có người nói vui là mình đang lạc vào một đô thị ngoại quốc, rồi tên quốc tế của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ biến thành tên gọi chính thức từ lúc nào… Rồi có xu hướng có thể gọi là quái đản khi dịch ngược từ ngữ, những tên gọi đã Việt hóa hoàn toàn hàng trăm năm nay như: xích lô, xà phòng, pê đan, cà phê…
Các tác phẩm văn học vốn có chức năng sáng tạo từ ngữ mới và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì không đủ sức làm tròn trọng trách này (có khi còn a dua) bởi sách in ra thì nhiều nhưng tác phẩm thật sự có giá trị lại quá ít. Gần đây là sự phát triển như vũ bão của văn học mạng và ngôn ngữ trên mạng xã hội. Có thể nói đây là một thảm họa, một cơn bão quét qua địa bàn vốn ổn định của tiếng Việt. Không thể phủ nhận tác dụng của văn học mạng và ngôn ngữ trên mạng xã hội nhưng sự đóng góp của chúng là khiêm tốn so với những di hại mà nó tạo nên.
Nghiên cứu ngôn ngữ của chúng ta trên các lĩnh vực: ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng đã có những kết quả vô cùng to lớn, không thể phủ nhận. Nhưng cũng có những hạt sạn đáng tiếc là có nơi, có lúc người ta đã máy móc áp dụng việc nghiên cứu ngữ pháp của nước ngoài (là ngôn ngữ đa âm) vào Việt Nam (vốn là đơn âm) khiến cho ngữ pháp Việt Nam trở nên rối rắm, khó hiểu, là nỗi kinh hoàng của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam: “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Và đã có nhiều chuyện nực cười là rất nhiều người viết chữ quốc ngữ rất chuẩn, nhưng không thể phân tích ngữ pháp theo nhưng thao tác của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Điều cuối cùng khiến cho chữ quốc ngữ còn có nơi có lúc lệch chuẩn, ấy là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được một bộ luật về ngôn ngữ quy định những quy phạm và quy chuẩn bắt buộc cho toàn dân khi nói và viết tiếng Việt.
Để tiếng Việt phát triển lành mạnh, trong sáng để nói đúng và viết đúng tiếng Việt, trước hết là với học sinh phổ thông, chúng tôi đề nghị:
Âm Hán Việt trong ngôn ngữ của ta chiếm 70 - 80%, do vậy có nhà ngôn ngữ học đề xuất chúng ta nên có chương trình học chữ Hán trong nhà trường ở một mức độ nào đó để giúp học sinh hiểu đúng, nói đúng và viết đúng. Đề xuất này không phải không có lý, nhưng không thể thực hiện được, vì nó sẽ khiến cho chương trình phổ thông thêm nặng nề.
Nhưng chúng tôi tán thành có một số tiết học nào đó cho học sinh làm quen và hiểu được những từ Hán Việt thông dụng (theo kiểu từ nguyên) để các em sử dụng đúng. Chúng tôi xin đưa một vài ví dụ: Từ “thủy chung” học sinh có thể khó hiểu, nhưng khi được giải thích: “thủy” là mở đầu, bắt đầu, “chung” là cuối cùng, kết thúc… thủy chung có nghĩa là sống với nhau từ bắt đầu (hôn nhân, yêu nhau) cho đến cuối đời… thì học sinh không thể hiểu sai, viết sai. Một trường hợp khác “Đăm chiêu” (phải trái). Hồi học cấp 2, khi học bài “lời tâm sự của kẻ đi ở” có câu:
“Gà kia mày gáy chiêu đăm
Để chúa tao nằm, tao ngủ chút nao”
Thầy không hề giải thích gáy chiêu đăm là gáy thế nào, khiến chúng tôi hiểu rất lơ mơ. Nếu thầy giải thích: Gáy chiêu đăm, là gáy ở bên trái rồi lại gáy ở bên phải, có nghĩa là gáy ở khắp nơi. Người đi ở lo gà gáy như thế sẽ khiến chủ nhà thức dậy và bắt mình đi làm sớm… thì học sinh sẽ hiểu ngay và sâu. Và khi nói: Anh ấy hay chị ấy “đăm chiêu” quá, thì có nghĩa là: anh/chị ấy suy nghĩ lúc thì nghiêng về bên phải, lúc thì nghiêng về bên trái, có nghĩa là nghĩ chưa ra.
Đối với những người lớn tuổi, từng đắm mình trong văn hóa truyền thống của ông cha thì những trường hợp này không có gì là khó hiểu, nhưng với thế hệ trẻ, chữ nghĩa của ông cha đã bay đi ít nhiều thì phải tạo điều kiện cho các em học tập, hiểu biết, vốn ngôn ngữ điệu tâm hồn của dân tộc, để từ đó không bị lai căng, mất gốc. Bởi ngôn ngữ là phương tiện để chuyên chở tâm hồn, bản tính của dân tộc hoặc nói như Nguyễn Văn Vĩnh “chữ Việt còn thì nước ta còn”.