Bạn biết gì về loài nhện?
Nhện là loài thường gặp, ngay trong mỗi ngôi nhà. Thường thì nó là con vật vô hại, nhưng không ít loài trong chúng lại chứa chất, có thể làm chết người. Đời sống của chúng cũng có nhiều điểm độc đáo mà không phải ai cũng biết.
“Góa phụ đen”- loài nhện cực độc.
Hầu hết các loài nhện đều giăng tơ để bắt mồi. Lưới tơ mỏng manh do chúng giăng ra chính là cái bẫy hoàn hảo nhử nhiều loài côn trùng. Khi một con côn trùng nào đó mắc vào lưới, lập tức con nhện chạy tới tìm cách chích nọc độc vào con mồi, khiến chúng tê liệt một cách nhanh chóng.
Trong thế giới loài nhện, người ta rất lấy làm kì lạ về những đặc tính của nhện Nepila đực. Trong một tấm lưới, một đôi Nepila cùng chung sống, cùng chia sẻ con mồi. Mỗi khi nhện Nepila cái mệt mỏi hoặc là sau khi đã ăn uống no nê, nó lim dim ngủ. Lúc đó, như một người hầu tận tụy, con đực tiến lại dùng những chiếc chân và cả thân mình mát-xa cho con cái. Cũng không phải vì con đực quá yêu quý người bạn đời mà chính là nó đang tìm cách hạ nhiệt trạng thái kích động của con con, vì nếu không nó sẽ bị bạn đời xé xác.
Nói chung nhện có hình thù quái dị gợi lên hình ảnh của một con vật thời tiền sử, nhưng trong thế giới của chúng cũng có một số loài được cho lè dễ nhìn, trong đó nổi bật hơn cả là “nhện công”. Loài nhện này có màu sắc sặc sỡ nên được so sánh với bộ lông lộng lẫy của loài công. Cũng giống như các loài động vật khác, con cái xấu hơn vì chỉ có phần bụng và phần lưng màu nâu; trong khi đó con đực lại khoác lên mình bộ cánh màu sắc vô cùng nổi bật như màu cam, màu đỏ, màu xanh nước biển, xanh lá cây, vàng đen. Màu sắc được hòa trộn tinh tế một cách tự nhiên, là đề tài gây cảm hứng cho không ít nhà thiết kế hoa văn trên những trang phục mang phong cách phóng túng. Nhện công sống ở Queensland và New South Wales. Người ta đã thử nhân giống chúng ở nơi khác, nhưng kết quả thu được chỉ là những con nhện nhợt nhạt và xấu xí.
Nhện Goliath.
Tới kỳ giao phối, nhện công đực thực hiện những động tác phức tạp nhằm quyến rũ con cái: chúng giơ hai chân lên cao, còn bụng thì hóp lại- phồng lên liên tục; cả thân hình lắc lư như để khoe vẻ đẹp và sức mạnh. Lúc bấy giờ, nhìn chúng giống một con công đực hơn bao giờ hết. Còn những con nhện cái gần đó dần dần tiến lại thận trọng và chăm chú xem xét màu sắc, chuyển động và động tác của con đực để quyết định giao phối hay không.
Trong những loài nhện độc, người ta thường nhắc tới loài nhện lưng đỏ (còn gọi là nhện nâu ẩn dật). Có khi chúng còn được gọi là nhện chuối bởi chúng sống trong những bụi chuối. Nông dân trồng chuối tại Brazil khá kị loài nhện này, nên trước khi thu hoạch chuối bao giờ người ta cũng phải phun một loại hóa chất đặc biệt “khắc tinh” của lũ nhện này để xua đuổi chúng. Đáng chú ý, trong khi những loài nhện khác giăng tơ để bẫy con mồi, thì nhện lưng đỏ lại lang thang trên mặt đất, tìm kiếm và tấn công con mồi trực tiếp. Chúng lấy đêm làm ngày và lúc bấy giờ chúng trở nên cực kỳ hiếu chiến. Nọc độc của chúng là loại độc tác động tới thần kinh rất mạnh, khiến cơ quan hô hấp của con mồi tê liệt, gây ngạt thở và chết rất nhanh. Nọc độc của chúng có thể gây ra bệnh bất lực ở nam giới.
Nhện lưng đỏ.
Trước, người ta tưởng rằng Golden silk Orb-weaver là nhện khổng lồ. Nhưng rồi điều đó đã bị thay đổi bởi Goliath mới chính là loài nhện lớn nhất thế giới. Chúng sống trong những khu rừng, một con Goliath trưởng thành nặng tới 170 gram, với chiều dài chân lên tới 30 cm, và được trang bị những chiếc răng nanh rất lợi hại.
Nhưng chưa hết, mới đây một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện con nhện có sải chân dài như cánh tay em bé trong khu rừng ở Nam Mỹ. Nó mới chính là loài nhện lớn nhất thế giới. Chúng được đặt tên là Giant Huntsman Spider. Cho dù cơ thể của chúng không lớn, nhưng chúng lại có 8 cái chân rất dài, mỗi chân dài khoảng 30 cm và có gai sắc cứng như sắt.
Nhưng, trong thế giới loài nhện, người ta phải thừa nhận rằng nhện Góa phụ đen mới chính là loài khác biệt nhất, tàn độc nhất. Loài nhện này có tên khoa học là Latrodectus Mactans). Với loài này, con cái chiếm ưu thế tuyệt đối về kích thước cũng như trọng lượng cơ thể: nó có thể to gấp 3 lần một con đực và vì thế nó dễ dàng kết liễu con đực sau khi giao phối- biến “bạn tình” thành thực phẩm cho mình. Vì thói quen kinh dị này nên suốt cuộc đời nhện cái “Góa phụ đen” sống cô độc, có nghĩa là cứ giao phối xong thì chúng lại giết thịt ngay con nhện đực đó, rồi sống cô độc cho đến khi tìm được một kẻ “tuẫn tiết” khác.
Nọc độc của nhện Góa phụ đen cực kỳ nguy hiểm. Một tài liệu chưa được kiểm chứng cho rằng, nọc độc của chúng mạnh gấp 15 lần nọc độc rắn đuôi chuông. Chất độc từ răng chúng tiết ra đi thẳng vào vết cắn là chất đầu độc thần kinh mạnh, khiến đối phương nôn mửa, khó thở, mê sảng, liệt bán phần và cả co giật.
Nhện công.
Nghiên cứu viên Jessica Garb của Đại học Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Nếu bạn bị cắn bởi một Góa phụ đen, chất độc sẽ ngay lập tức di chuyển đến các vùng trước khớp thần kinh của tế bào thần kinh. Đây là điểm gặp nhau giữa các khớp thần kinh của một tế bào thần kinh và tế bào cơ bắp hay tế bào thần kinh khác, và chèn nó vào trong lớp màng, khiến bạn tê liệt”.
Từ đó, Jessica khuyên mọi người nếu bị Góa phụ đen cắn thì hãy bình tĩnh làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước để làm sạch vết thương và vùng da xung quanh vết cắn nhện; sau đó buộc một băng ép chặt ngay phía trên vết cắn và nâng cao chi để giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của nọc độc. Nhưng, sau đó thì phải tới bệnh viện chứ không thể tự mình cầm cự lâu dài được.