Nghịch lý nông sản sạch
Sản phẩm nông sản sạch, an toàn đang được thị trường rất quan tâm. Tuy nhiên hiện nay chuỗi cung - cầu sản phẩm này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và nghịch lí.
Nông sản sạch cần hình thành theo chuỗi.
Nhìn nhận về nghịch lí trên, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: Người tiêu dùng thì đang lo lắng về chất lượng nông sản, trong khi nông dân đang cố gắng sản xuất nông sản sạch thì không bán được hoặc bán với giá rất thấp. Thực trạng này một phần là do các tác nhân trong chuỗi thiếu tin tưởng lẫn nhau, thậm chí là hoài nghi về chất lượng sản phẩm.
Về phía nhà phân phối, ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart nhận định: Vẫn còn nhiều vấn đề sản xuất nông sản sạch, an toàn chưa đáp ứng tốt các yêu cầu siêu thị đưa ra. Cụ thể như sản xuất nhỏ lẻ, nguồn cung không ổn định, thị trường biến động, việc thực hiện cam kết hợp đồng của nông dân còn hạn chế...
Trong khi đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch, an toàn đang “đau đầu” để tìm thị trường đầu ra. Thay vì chọn siêu thị làm kênh phân phối thì nhiều đơn vị sản xuất lại chọn hướng bán cho các chợ đầu mối, vì vướng phải nhiều thủ tục phức tạp và khó khăn về vốn khi muốn vào siêu thị. Do đó, chỉ một số ít mô hình sản xuất nông sản sạch được người tiêu dùng biết đến.
Thạc sĩ Trần Thế Như Hiệp, thuộc Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, các kênh phân phối nông sản hiện nay vẫn còn nhiều bất lợi cho người nông dân. Lấy dẫn chứng từ chuỗi “Cung ứng rau an toàn” (RAT) tại TP Cần Thơ, ông Hiệp cho biết, kênh phân phối truyền thống “nông dân - người thu gom - thương lái - người bán lẻ (vựa) - người bán lẻ, siêu thị - người tiêu dùng” chiếm đến 78,2% sản lượng tiêu thụ. Kênh này với nhiều thành tố trung gian, khiến chi phí marketing của kênh tăng, trong khi giá trị sản phẩm không thay đổi. Ngược lại, kênh phân phối được xem là hiệu quả “nông dân – người bán lẻ - tiêu dùng” thì lại chiếm sản lượng tiêu thụ rất thấp (chỉ 4,3%).
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra để giải thích cho nghịch lí cung – cầu nông sản sạch. Trong đó, về phía người tiêu dùng, vẫn còn thờ ơ với những lợi ích và giá trị của nông sản sạch; tâm lí e ngại về giá và nguồn gốc sản phẩm; khó tìm mua nông sản sạch do chưa có kênh phân phối rộng khắp... Đối với nhà sản xuất, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ, chất lượng không ổn định; khâu sơ chế, bảo quản còn thô sơ; khả năng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kĩ thuật còn hạn chế...
Về quản lí nhà nước, hiện nay việc quản lí về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, kiểm định và công nhận vẫn chưa triệt để, hiệu quả nên chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Thiếu các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi hành vi tiêu dùng; biện pháp kết nối thị trường, cung – cầu vẫn chưa mang lại hiệu quả...
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Chúng tôi đang cố gắng để kết nối doanh nghiệp với nhiều kênh phân phối. Trong năm 2017, các chương trình phiên chợ nông sản an toàn, phiên chợ xanh tử tế... nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho các sản phẩm nông sản sạch, an toàn sẽ tìm được khách hàng của mình.
Trước nhiều khó khăn, nghịch lí trong chuỗi cung - cầu nông sản sạch, việc hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản sạch là một đòi hỏi tất yếu. Do đó, hơn 60 công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác và các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thống nhất thành lập mạng lưới sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch.
Đây là mạng lưới sản xuất sạch đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các thành viên trong mạng lưới kì vọng, qua kênh này sẽ giúp kết nối và phát huy tối đa vai trò của những tác nhân tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Từ đó tạo ra sự gắn kết, niềm tin giữa người tiêu dùng và người trực tiếp làm ra sản phẩm.