Một nàng dâu hiếu thảo
Về làng biển thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An), nhiều người kể câu chuyện về nàng dâu hiếu thảo- chị Đào Thị Vần. Chồng chị sau chuyến vươn khơi mãi mãi không trở về, chị đã vượt qua nỗi đau hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi 3 con trưởng thành.
Chị Vần bên mẹ chồng.
Chị Vần kể, trong một chuyến biển định mệnh năm 1994, chồng chị là anh Trần Quang Thái (SN 1967) mãi mãi không trở về, để lại 3 đứa con thơ và cha mẹ già ngoài 70 tuổi. Nỗi đau quá lớn khiến chị Vần tưởng chừng như gục ngã, lúc đó đứa con gái đầu của chị 6 tuổi, đứa thứ hai lên 4 và đứa út vừa tròn 18 tháng tuổi.
Sau khi chồng mất cuộc sống gia đình chị rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất, con dại, cha mẹ chồng già yếu. Đến lúc lo liệu chu toàn giỗ đầu của chồng, chị mới có thể cân bằng lại cuộc sống.
Chị bắt đầu tìm đến cửa Phật, lúc bấy giờ trên mảnh đất Nghệ An Phật giáo chưa phát triển, chị phải vào Huế, Đà Nẵng để học đạo, sau đó chị quy y và chính thức trở thành phật tử. Cũng trong khoảng thời gian này, chị tìm hiểu sâu hơn về chữ hiếu trong đạo Phật để báo hiếu cha mẹ.
Nói về động lực giúp chị vượt qua khó khăn, chị Vần cho biết: “Tôi còn cha mẹ chồng đã tuổi cao sức yếu, 3 con thơ dại, cần người chăm sóc. Đó chính là những động lực để tôi không thể gục ngã”. Lúc đầu đến với đạo Phật cha mẹ chồng và gia đình bên nội, ngoại ít người đồng tình, chị đã phải tìm nhiều cách để tác động đến cha mẹ chồng cũng như gia đình và dòng họ bằng tấm chân tình của mình.
Phải gánh vác việc gia đình, là người phụ nữ làng biển thu nhập không ổn định, thời điểm khó khăn nhất, chị đã chạy chợ, thu mua hải sản, ngoài ra còn làm việc cho các cơ sở thu mua. Vài năm sau, chị đã thành lập được cơ sở thu mua cho riêng mình, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng chục phụ nữ cùng hoàn cảnh.
Nhờ tính tháo vát, biết sắp xếp cuộc sống, khi kinh tế gia đình khá giả, chị xây dựng ngôi nhà mới để có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi con ăn học. Đến nay 3 người con của chị đã tốt nghiệp Đại học. Chị coi đó là phần thưởng xứng đáng nhất cho những năm tháng vất vả.
Ngoài việc nuôi dạy con cái, những lúc trái gió trở trời, cha mẹ chồng ốm đau chị lại lo toan, chăm sóc các cụ rất chu đáo. Khi nói về cô con dâu thảo- mẹ chồng chị bà Trần Thị Phố xúc động cho biết “Nó còn hơn cả con gái tôi, thương yêu và chăm sóc tôi từng chút một, lúc ốm đau chỉ có con dâu là người cận kề, thức trắng đêm”.
Chị Vần cho biết, năm 2004 sau khi cha chồng qua đời, chị dành nhiều thời gian hơn trước để trò chuyện với mẹ chồng, quan tâm đến sức khỏe của bà, không để bà thấy cô đơn. “Tôi luôn cố gắng làm nhiều việc để bà vui, yên tâm sống lâu cùng con cháu. Tôi chẳng bao giờ có suy nghĩ khoảng cách giữa mẹ chồng nàng dâu”, chị Vần tâm sự.
Ông Trần Xuân Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết, chị Vần là một người con dâu hiếu thảo, không những chăm sóc gia đình bên nội mà bên ngoại chị cũng làm trọn bổn phận của một người con, chúng tôi thấy chị là một phật tử tinh tấn tại địa phương.
Ngoài công việc trong gia đình thì việc xã hội chị Vần cũng tham gia tích cực, đặc biệt là các chương trình nhân đạo từ thiện. Với tấm lòng rộng mở chị sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, anh em hàng xóm, láng giềng. Sự hiếu thảo của chị Vần đã được nhiều người dân địa phương biết tiếng. Chị Vần còn được Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tặng bằng công đức có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, Phật giáo huyện Quỳnh Lưu và Uỷ ban nhân dân huyện tặng chị giấy khen và bằng công đức trong các hoạt động an sinh xã hội vì cuộc sống cộng đồng. Gia đình chị Vần nhiều năm liền được địa phương tôn vinh gia đình Văn hóa tiêu biểu.