Chào năm học mới!

Hương Lê 05/09/2017 08:00

Hôm nay mồng 5/9, như thông lệ thường niên, Lễ khai giảng đánh dấu một năm học mới đã chính thức bắt đầu. Hàng triệu học sinh khắp mọi miền của đất nước háo hức tới trường trong tiết thu chớm sang. Với những học sinh lớp 1, tất cả đều lạ lẫm, tinh khôi mới mẻ. Khăn quàng đỏ thắm, cờ và hoa quyện trong nắng vàng dịu nhẹ… khiến tất cả những ai đã từng qua tuổi học trò đều ít nhiều thấy tâm trạng mình đôi chút xôn xao, hoài niệm.

Trước thềm năm học mới nhen nhóm lên những hi vọng về một sự đổi thay.

Trong không khí tưng bừng hân hoan chào đón năm học mới, biết bao nhiêu hoài bão, khát khao và kỳ vọng… lại đang được đặt ra. Tất cả cũng không nằm ngoài mong muốn năm học mới này hoạt động dạy học được đi vào nền nếp, quy củ, giảm thiểu và tiến tới không còn những hệ lụy, tiêu cực trong môi trường giáo dục phổ thông.

Trước đó, từ lễ tổng kết cuối năm học trước, Bộ GD&ĐT đã xác đinh, năm học 2017-2018 sẽ là năm học mà toàn ngành cần tiếp tục tăng cường nề nếp kỷ cương, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò.

Một trong những đổi thay nhìn thấy rõ hơn cả là TP Hà Nội đã thống nhất thời gian Lễ khai giảng ngày 5-9 trên toàn thành phố. Theo đó để lễ khai giảng không dài lê thê với nhiều tiết mục rườm rà, Sở GD&ĐT đã qui định nội dung lễ khai giảng chú trọng vào việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

Thời gian dành cho phần lễ khai giảng chỉ được kéo dài trong một giờ đồng hồ, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút. Các hoạt động trong phần lễ bao gồm: chào cờ, hát quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; hiệu trưởng tuyên bố khai giảng năm học mới; đánh trống khai trường.

Năm học mới 2017- 2018, ngành giáo dục đặt mục tiêu giải quyết những vấn đề “nóng” đang được dư luận xã hội quan tâm. Trước thềm năm học mới, những văn bản chỉ đạo về việc siết các khoản thu chi đầu năm học, siết dạy thêm học thêm… đã được Bộ GD&ĐT ban hành; Cùng với đó là việc đặt mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục đổi mới thi cử theo hướng có lợi hơn cho người học và cho toàn xã hội.

Trong năm học mới 2017-2018, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Bộ GD&ĐT cũng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục phổ thông trung học chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình giáo dục; xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản.

Theo kế hoạch, năm học mới 2017-2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2017 - 2018, việc đổi mới của giáo dục đại học theo hướng tập trung đẩy mạnh tự chủ đại học, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động để tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo cho sinh viên tốt nghiệp…

Những mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành giáo dục đã đặt ra ở trên trước thềm năm học mới nhen nhóm lên những hi vọng về một sự đổi thay. Nhưng trước mỗi mùa khai giảng mới, vẫn còn đó những nỗi lo muôn thuở. Bởi một trong những điểm “nóng” của giáo dục tiểu học những năm qua được dư luận xã hội hết sức quan tâm là tình trạng dạy thêm học thêm trước khi trẻ vào lớp 1 ở nhiều nơi.

Lâu nay vẫn tồn tại tình trạng nhiều trẻ em đã đọc thông viết thạo trước khi chính thức vào lớp 1. Những em không học sẽ được coi là thành phần cá biệt, khiến trẻ tự ti ngay từ khi bước chân vào lớp học chữ đầu tiên trong đời. Thực trạng này diễn ra nhiều năm nay, không được cải thiện đã khiến không chỉ phụ huynh, đặc biệt là con trẻ đều khổ, đều mệt mỏi trong cuộc đua học kiến thức tiền tiểu học.

Rồi làm thế nào để gánh nặng tài chính khi con vào năm học mới bớt oằn trên đôi vai những bậc cha mẹ, nhất là những gia đình mà điều kiện kinh tế còn khó khăn. Trong rổ ngân sách chi tiêu của những gia đình nghèo, tiền quỹ lớp, các khoản quỹ thu khác đầu năm học, tiền mua đồng phục, nước uống, sách vở, đồ dùng học tập… là một khoản chi đáng kể.

Còn nữa là việc dạy thêm học thêm, cho dù năm học nào cũng có những văn bản của Bộ GD&ĐT ban hành, nhưng việc dạy và học thêm tràn lan, trái phép đang trở thành vấn nạn nhức nhối nhất trong ngành giáo dục hiện nay. Vẫn còn đó những cơ sở dạy “chui”, khiến học sinh và phụ huynh băn khoăn lắm trước quyết định có nên học thêm ở nhà thày cô hay không?

Bởi đã có thực trạng ở nơi này, nơi kia là học sinh đi học thêm ở nhà thày cô thì khi đến lớp được ưu ái, quan tâm hơn những bạn không đi học… Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em phải chịu thiệt thòi “kép”, khi vừa không có điều kiện học thêm như các bạn, lại vừa không nhận được thiện cảm trong mắt thày cô giáo. Thế nên những văn bản qui định của Bộ GD&ĐT và các địa phương cũng gần như vô tác dụng, không có hiệu lực trước nhu cầu dạy thêm và học thêm như một làn sóng hiện nay.

Một nỗi lo không hề nhỏ là trình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng trong môi trường giáo dục. Bộ GD&ĐT đã có ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo an toàn môi trường giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo… Nhưng chừng nào còn thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chung tay giáo dục nhân cách trẻ thì nguy cơ bạo lực học đường vẫn còn đó.

Thời khắc này, tiếng trống trường đã điểm đón chào năm học mới. Biết bao điều kỳ diệu của thế giới tri thức, của niềm tin và mơ ước đang chờ đón học sinh và các thày cô giáo. Tiếng trống khai trường đã gọi thu sang, gợi nhớ bao cảm xúc và gợi mở một chân trời mới, với những khát vọng tốt đẹp.

Hương Lê