Kabul - thành phố 'khát nước' của Afghanistan

Linh Chi 06/09/2017 10:00

Ở những khu vực trù phú của thủ đô Kabul, Afghanistan, những xe tải xanh hàng ngày vẫn chở bình nhựa chứa nước tới các tòa Đại sứ, văn phòng làm việc và các ngôi nhà hạng sang. "Nước, sạch và tinh khiết. Nước là sự sống", khẩu hiệu viết trên những chiếc xe nọ nêu rõ.

Người dân Kabul đi lấy nước tại một vòi nước công cộng hồi tháng 8 vừa qua. (Nguồn: AFP).

Nhưng ở nhiều phần còn lại của Kabul, nơi mà dân số đã tăng gấp 3 lần lên con số 5 triệu người chỉ trong vòng một thập kỷ qua, nước sạch đã trở thành vấn đề nan giải. Các trại tị nạn nằm trên những vùng đất bụi bẩn, dòng nước ô nhiễm chạy dọc trên các tuyến đường không có vỉa hè, các khu chung cư mọc lên ngày càng nhiều... đã gây quá tải cho các cơ sở cung cấp nước cũ kỹ ở đây.

Do không có nguồn cung cấp nước chính thức, người dân ở nhiều khu vực phải tự đào giếng ở ngay sân nhà họ. Không có hệ thống nước thải, một số người còn phải tự xây thùng chứa nước thải, nhiều người tự xây nhà vệ sinh lộ thiên. Như một hậu quả, nước giếng đào đôi lúc bị nhiễm bẩn do nguồn nước thải trên. Hóa chất từ các khu xây dựng hoặc nhà máy cũng ngấm vào nguồn nước ngầm.

"Chúng tôi đào rất sâu để có nước sạch. Nó có mùi vị cũng tạm ổn và lũ trẻ cũng quen, nhưng nếu không đun sôi, nó sẽ gây hại cho sức khỏe" - Asif, một kỹ sư máy tính, cho hay - "Thành phố ngày càng đông, và có thêm nhiều tòa nhà mới. Hệ thống cấp nước thì ngày càng cũ kỹ".

Một số hãng tin trong và ngoài Afghanistan mới đây đã cảnh báo rằng nguồn nước của Kabul ngày càng trở nên ô nhiễm hơn, nhưng giới chức y tế nước này cho rằng vấn đề đã bị thổi phồng. Các báo cáo của chính phủ nước này cho thấy có 70% nguồn nước đô thị đạt tiêu chuẩn sạch.

Tuy nhiên, nhiều báo cáo khác cho thấy người dân Kabul hứng chịu bệnh tả trong mùa Hè vừa qua, đặc biệt là ở trẻ em, nhưng chưa phát triển thành dịch bệnh.

Một nghiên cứu mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy mật độ cao vi khuẩn E.coli trong 5/22 trường hợp được kiểm tra ở nhiều khu vực khác nhau. 77% trường hợp kiểm tra đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong khi đó, Mahmad Daoud, một nhân viên thanh tra của chính phủ Afghanistan, nói rằng nỗi lo sợ về nguồn nước bị ô nhiễm ở Kabul đã lên đến mức đáng báo động, trong đó ngay cả các cơ sở tư nhân cung cấp nước cũng thường xuyên tìm đến giếng khoan để đổ đầy các chai nước của họ, sau đó rêu rao là nước tinh khiết để bán cho người dân.

"Chúng tôi đã bắt được một số người đang làm như vậy, nhưng họ lại đe dọa chúng tôi nên chúng tôi không thể thu thập mẫu vật để chứng minh điều này" - ông Daoud nói.

Vấn đề nước sạch của Kabul trớ trêu ở chỗ thành phố thủ đô này được bao bọc bởi nhiều nguồn nước nguyên thủy sạch sẽ, trong đó gồm có nguồn nước từ dãy núi Hindu Kush và từ các con đập lớn ở 2 tỉnh lân cận.

Mới đây, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đặt các con đập ở nước này thành mục tiêu hàng đầu quốc gia. Mùa Hè năm ngoái, với sự hỗ trợ từ phía Ấn Độ, công trình xây dựng một con đập lớn vốn đã bị trì trệ từ laai ở miền Tây nước này đã được nối lại để cung cấp nước sạch cho thủ đô.

Tuy nhiên, việc lấy nước từ sông và các dãy núi để phân phối cho hàng trăm nghìn hộ dân ở Kabul là công việc đầy rủi ro và hao tốn tiền của. Thành phố này vốn đã bị thiệt hại đáng kể do nhiều thập kỷ xung đột và giờ lại phải đối mặt với hàng loạt vụ đánh bom được thực hiện bởi các nhóm phiến quân, đặc biệt là Taliban.

Một dự án xây đường ống, nơi chưng cất cùng các giếng chứa nước trên khắp thủ đô Kabul đã được khởi động cách đây 2 năm, nhưng mới chỉ đến giai đoạn đầu đã bị ngừng lại.

Sardar Wali Malikzal, Giám đốc Công ty Nước sạch đô thị Afghanistan, hiện đang điều hành dự án này. Văn phòng của ông phủ đầy các sơ đồ xây dựng hệ thống cấp nước ở khu vực thủ đô.

Ông Sardar nói rằng, tiến độ dự án vẫn tiếp tục chậm chạp, nhưng dân số tăng mạnh cùng các tòa nhà mọc lên như nấm khiến dự án không thể đuổi kịp.

Giới chức Afghanistan thậm chí còn phải ép các công nhân xây dựng của các dự án lớn phải cung cấp được hệ thống vệ sinh và nước sạch, khiến nhiều công ty đổ xô đi đào giếng hoặc xây cơ sở lọc nước để bán cho những hộ giàu.

Thế nhưng, hệ thống cung cấp nước công mới chỉ cung ứng được khoảng 1/5 các hộ dân của Kabul.

"Afghanistan có nguồn nước ngọt tốt nhất trên thế giới" - ông Sardar nói - "Nó an toàn khi uống và chúng tôi có nguồn cung dồi dào. Nhưng giờ có tới 5 triệu dân trong thành phố. Phần lớn bệnh dịch đến từ nước ô nhiễm, nên nước cần được lọc. Vấn đề ở đây là tiền".

Linh Chi