Nan giải tình trạng khai thác hủy diệt thủy sản
Trong thời gian qua, tình trạng khai thác thủy sản bằng hình thức hủy diệt đang có chiều hướng tăng mạng trên phạm vi cả nước. Tại Ninh Thuận, việc khai thác thủy sản bằng chất nổ tại các hồ, đập, sông suối và trên biển cũng đang nở rộ.
Được tuyên truyền nhưng tình trạng khai thác tận diệt thủy sản vẫn xảy ra.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận, các đối tượng sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản trên vùng biển chủ yếu các tàu hành nghề lưới vây có kích thước mắc lới nhỏ hơn quy định (lưới vây rút mùng).
Không chỉ ngư dân tại tỉnh này mà các tàu cá của các tỉnh khác như Khánh Hòa, Phú Yên… cũng di chuyển đến các vùng biển của Ninh Thuận để hành nghề.
Các đối tượng này thường lợi dụng ban đêm, sơ hở của các lực lượng chức năng sử dụng chất nổ kết hợp vây lưới đánh bắt cá cơm và một số đàn cá nổi khác làm tăng thêm nguy cơ sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản trên biển.
Ông Nguyễn Khắc Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hoạt động khai thác thủy, hải sản theo hướng tận diệt với nhiều hình thức và phương thức hoạt động rất tinh vi.
Có khi lén lút và kể cả công khai, nhưng khi có mặt của lực lượng chức năng họ phi tang xuống biển, không có chứng cứ để xử lý việc tàng trữ và sử dụng chất nổ trái phép để khai thác thủy sản nên chủ yếu xử phạt vi phạm hành chính ở các hành vi khác.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã bắt giữ 3/4 đối tượng; xử phạt hành chính 2/3 đối tượng với số tiền 30.500.000đ; khởi tố 1/1 đối tượng, tịch thu tang vật gồm 1 khẩu súng cồn, 38 kíp nổ và 6,750 kg thuốc nổ.
Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm soát trên bờ, trên biển phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản được 117 vụ/ 119 người vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 142 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, trong gần 8 tháng qua, Chi cục đã kiểm tra 534 lượt người và phương tiện hoạt động khai thác thủy sản, phát hiện 121 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính, ra quyết định phạt tiền với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
Tịch thu tang vật vi phạm gồm 8 bộ xung điện, 8 vàng lưới, 4 kích điện, 4 bình ắc quy; thu hồi 46 giấy phép khai thác thủy sản của nghề vây rút mùng; đồng thời vận động chuyển đổi thành công 67 trường hợp khai thác gần bờ ra khai thác tại vùng khơi xa.
Nguyên nhân chính được các ngành chức năng chỉ ra vẫn là do ý thức của người dân còn nhiều hạn chế, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên vẫn lén lút sử dụng trái phép chất nổ để đánh bắt.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm soát của các ngành còn hạn chế; trong đó, chế tài xử lý vẫn còn nhẹ nên không đủ sức đấu tranh, ngăn chặn vi phạm.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc chuyển đổi nghề khai thác thủy sản từ lưới mùng tại các vùng biển ven bờ ra khai thác tại vùng khơi xa trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn.
Nguyên nhân chính là do nhiều ngư dân còn nghèo chưa đủ điều kiện chuyển đổi nghề nên cần rà soát đánh giá, xác định thời gian lộ trình chuyển đổi nghề phù hợp.